Hiệu quả công tác giảm nghèo ở xã Quảng Khê
Tại xã Quảng Khê (Lâm Đồng), các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã giúp nhiều hộ nghèo, nhất đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Anh Sùng A Xà chăm sóc đàn dúi giống
Các mô hình phát triển kinh tế giúp bà con thoát nghèo
Trước đây, gia đình anh Sùng A Xà ở thôn 5, xã Quảng Khê thuộc diện hộ nghèo, đời sống bấp bênh do đất sản xuất ít. Thế nhưng cuộc sống anh đã thay đổi khi được hỗ trợ 12 cặp dúi giống từ chương trình hỗ trợ sản xuất cuối năm 2023. Có vốn hỗ trợ trong tay, anh Xà mạnh dạn khởi đầu mô hình chăn nuôi dúi. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc, sau ba tháng, đàn dúi đã sinh sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Dúi thương phẩm bán được gần 600 ngàn đồng/kg, dúi giống có giá đến 1,5 triệu đồng/kg.
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi dúi, anh Xà quyết định đầu tư thêm chuồng trại để mở rộng quy mô. “Tôi nhận thấy việc nuôi dúi không khó, lại có hiệu quả kinh tế cao. Với nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này, gia đình tôi có thể cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo,” anh Xà hào hứng kể về kế hoạch nhân rộng đàn dúi trong thời gian tới. Cũng giống như anh Xà, gia đình anh K’Khuêng ở bon Ka Nur, xã Quảng Khê được hỗ trợ 6 con dê giống. Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, đàn dê của anh phát triển tốt và bắt đầu sinh sản. Với hàng chục con dê trong tay, nguồn thu nhập từ chăn nuôi giúp gia đình anh cải thiện đời sống, có thêm vốn đầu tư cho cây trồng.
Anh K’Khuêng chia sẻ: “Nhờ nuôi dê mà tôi có thêm tiền để mua phân bón, đầu tư cho nương rẫy và lo cho con cái học hành. Gia đình tôi đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi”. Không chỉ anh K’Khuêng, nhiều hộ dân khác cũng được hưởng lợi từ các chính sách giảm nghèo. Anh K’Khuêng là một trong 15 hộ ở bon Ka Nur được cấp dê giống. Nhờ sự đồng lòng, các hộ cùng nhau chăm sóc đàn dê, từng bước xây dựng kinh tế gia đình ổn định.
Nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, xã quảng Khê đã triển khai 33 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, thu hút 364 hộ dân tham gia.

Đồ họa: Đ.Sơn
Các hộ dân tham gia mô hình đều được hỗ trợ giống cây, con, vật tư nông nghiệp cùng kỹ thuật sản xuất. Các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật được tổ chức thường xuyên, giúp bà con tiếp cận phương thức sản xuất mới, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Theo UBND xã Quảng Khê, địa phương hiện vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm đa số. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của Nhân dân, các chương trình giảm nghèo đã từng bước phát huy hiệu quả. Ngoài hỗ trợ sản xuất, xã còn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, góp phần thay đổi diện mạo các thôn, bon.
Nhờ tận dụng tốt các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh và địa phương, xã Quảng Khê đã lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, không chỉ hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững mà còn nâng cao thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Các mô hình sản xuất thành công đang được nhân rộng, lan tỏa ý chí vươn lên thoát nghèo đến nhiều hộ dân khác. Từ những cách làm hiệu quả, xã Quảng Khê đang từng bước thay đổi diện mạo, mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng.