Hiện thực hóa Net Zero, Việt Nam cần nguồn vốn lên tới 701 tỷ USD
Để thực hiện hóa được mục tiêu Net Zero và thích ứng biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nguồn vốn lên tới 701 tỷ USD, trong đó khu vực tư nhân 350 tỷ USD, nhà nước 248 tỷ USD và vốn nước ngoài 103 tỷ USD.
Cần 701 tỷ USD cho mục tiêu Net Zero
"Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới có thể đạt được mục tiêu huy động nguồn vốn 701 tỷ USD", TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định trong một hội thảo gần đây.
Một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Theo ông Tú Anh, việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi sức khỏe của hệ thống ngành ngân hàng đang có nhiều tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.
Bên cạnh đó, tín dụng trên đầu người cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. “Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Phải chăng lượng vốn tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế không phải là con số lớn như thống kê chỉ ra?” ông Tú Anh nói.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) – kênh huy động vốn trung và dài hạn - lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.
Sự thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể lớn mạnh, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn.
“Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới”, ông Tú Anh khẳng định.
BĐS khởi sắc sẽ kéo khơi thông thị trường TPDN
Liên quan đến những quy định mới về thị trường TPDN trong Luật Chứng khoán sửa đổi, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia - cho rằng, những quy định này đã phần nào giúp thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, thị trường TPDN còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
“Thị trường TPDN phản ánh rõ nét cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP ở Việt Nam cao nhưng phần lớn chỉ dựa vào xuất khẩu – khu vực mà các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào xuất khẩu và chủ yếu chỉ là các doanh nghiệp trong ngành nông, lâm, thủy sản”, ông Lê Xuân Nghĩa nêu thực trạng.
Theo ông Nghĩa, nếu không có cải cách mạnh mẽ về thị trường TPDN về cả số lượng lẫn công nghệ và kĩ thuật, khó có thể vực dậy các doanh nghiệp nội địa. Khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có thể tiếp tục ‘dựa dẫm’ vào các doanh nghiệp FDI.
Về thực trạng của thị trường TPDN, ông Nghĩa cho rằng, cơ cấu tham gia thị trường này chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên, việc huy động vốn qua kênh TPDN của các ngân hàng chủ yếu phục vụ cho mục đích tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động và cho vay. Còn các doanh nghiệp bất động sản lại đang rơi vào cảnh khó khăn khiến thị trường TPDN cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa khác thì thiếu vốn trầm trọng nhưng không thể tham gia sân chơi TPDN vì kỳ hạn ngắn (khoảng 3 năm) nhưng lãi suất lại rất cao.
“Nếu TPDN tiếp tục chỉ dựa vào bất động sản thì năm tới vẫn sẽ còn khó khăn. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải cảnh giác. Để giải quyết được những khó khăn trên thị trường TPDN hiện nay, điều đầu tiên cần làm là giải quyết các dự án bất động sản lớn đang bị “đắp chiếu” tại các tỉnh thành. Chỉ khi đó, thị trường bất động sản mới khởi sắc, kéo theo thị trường TPDN đi lên”, ông nhận định.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Chứng khoán SSI, đánh giá những thay đổi trong Luật chứng khoán sửa đổi liên quan đến thị trường TPDN nhìn chung sẽ giúp thị trường phát triển theo hướng chặt chẽ hơn.
“Những điều kiện khắt khe hơn về TPDN trong Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp giải tỏa tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường này. Các thay đổi này giúp mở đường cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, kích thích sự sôi động vốn có của kênh huy động vốn này”, ông Hải phân tích.
Đại diện SSI cho rằng cần phải huy động thêm các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa hơn tệp khách hàng tham gia vào thị trường TPDN.