Hiện thực hóa khát vọng vươn cao
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Bình Phước đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của tỉnh, đó là hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với việc thực hiện bài bản, chi tiết, khoa học, quy hoạch được kỳ vọng khi triển khai sẽ tạo bệ phóng vững chắc cho Bình Phước 'cất cánh' trong tương lai.
Sau ngày tái lập, Bình Phước là tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí không đồng đều, hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên đời sống và sinh hoạt văn hóa của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có duy nhất một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 4 công ty cao su nhà nước. Sản xuất công nghiệp chỉ là tổ hợp sơ chế hạt điều, mủ cao su, sản xuất đũa tre, khai thác đá… Vì vậy, tổng thu ngân sách của tỉnh năm 1997 chỉ đạt 172 tỷ đồng. Sau 27 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã có những bứt phá rất ngoạn mục trên tất cả lĩnh vực. Năm 2023, Bình Phước đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), đạt 8,27% so với năm 2022. Cũng trong năm này, toàn tỉnh thu hút được 48 dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 739 triệu USD, đạt 277% kế hoạch năm. Lần đầu tiên Bình Phước lọt top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 9,32%, vượt kế hoạch đề ra, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và xếp thứ 11 trong cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Bình Phước vẫn tồn tại không ít hạn chế. Việc sắp xếp không gian các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội chưa hợp lý, sự phân bố dân cư, lao động không đồng đều, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả chưa cao… Những yếu tố nêu trên đã gây ra lực cản không nhỏ cho quá trình phát triển của Bình Phước trong thời gian qua. Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24-10-2024 là “xương sống”, động lực và cơ hội cho sự bứt phá của tỉnh. Đây còn là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tháo gỡ những điểm nghẽn, lực cản, tạo nên các đột phá chiến lược và khơi thông thêm nhiều tiềm năng, lợi thế mới, xây dựng Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn”, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Bình Phước đạt hơn 10%; kim ngạch xuất khẩu đạt 8-9 tỷ USD; thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 180 triệu đồng... Cùng với đó quy hoạch về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính và đầu tư phát triển… để đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.
Có thể nói, với quy hoạch tỉnh, Bình Phước đang xây dựng một chiến lược dài hạn rất bài bản, đầy tham vọng với mục tiêu không những trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh, văn minh và là một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ. Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh, bởi đây là định hướng lớn cho sự phát triển toàn diện và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá mới cho tỉnh. Đồng thời hiện thực hóa khát vọng đổi mới, vươn cao, vươn xa, hòa nhịp cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.