Hết thời đầu cơ khi đánh thuế 20% lãi chuyển nhượng bất động sản?

Theo các chuyên gia, việc đề xuất tính thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và giá bán bất động sản theo từng lần sẽ không còn là sân chơi dễ dãi cho những người đầu cơ, giúp thị trường phát triển lành mạnh.

Ngăn chặn đầu cơ, lướt sóng

Bộ Tài chính vừa đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng. Nếu không xác định được giá mua và chi phí liên quan, thuế tính theo giá bán và thời gian sở hữu, với thuế suất từ 2–10% (dưới 2 năm: 10%, 2-5 năm: 6%, 5-10 năm: 4%, từ 10 năm trở lên 2%).

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) là phương án tính thuế lũy tiến theo thời gian nắm giữ nhà đất, nếu không áp dụng được tính thuế theo từng lần chuyển nhượng.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc đánh thuế theo thời gian nắm giữ là hợp lý. Rất nhiều nước trên thế giới, hiện nay đã thực hiện đánh thuế bất động sản.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, hiện tình trạng đầu cơ, “lướt sóng” nở rộ ở nhiều nơi khiến giá bất động sản tăng ảo, người có nhu cầu thực khó tiếp cận. Do đó, việc đánh thuế bất động sản lúc này là cần thiết.

Nếu việc đánh thuế bất động sản được thực hiện, tình trạng đầu cơ ít đi kéo theo thanh khoản giảm xuống. Các chủ đầu tư sẽ phải tìm cách bán hàng và giảm giá thì người mua ở thực sẽ có cơ hội tiếp cận nhà ở. Khi việc đánh thuế bất động sản được thực hiện và sàn giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý cùng đi vào hoạt động sẽ tạo ra thị trường minh bạch.

Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản, tư duy chính sách thuế đang dịch chuyển, "từ đánh đồng tất cả giao dịch với thuế khoán 2% trên giá chuyển nhượng sang phân loại, đánh trúng vào hành vi cần điều chỉnh là đầu cơ, lướt sóng".

Ông nói, thuế đánh càng cao nếu bán ra sớm khiến nhiều nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lại mục tiêu "lướt sóng" nhà đất. Bởi những giao dịch "ăn chênh" trong thời gian ngắn chủ yếu dựa vào kỳ vọng hoặc thông tin quy hoạch chưa chính thức nên họ thường sử dụng đòn bẩy tài chính, tạo áp lực về dòng tiền. Việc buộc phải nắm giữ dài hạn khiến việc đầu cơ giảm sức hấp dẫn, từ đó, hạ nhiệt thị trường đồng thời tăng tính ổn định và bền vững.

Ông Tuấn đánh giá thay đổi này không đơn thuần là tăng thu ngân sách, mà là phép thử cho tiến trình tái cấu trúc thị trường. Đây là bước chuyển rõ ràng trong tư duy điều tiết: "bất động sản không còn là sân chơi dễ dãi cho đầu cơ", mà là lĩnh vực cần đầu tư dài hạn, nghiêm túc và có trách nhiệm.

Nhiều căn nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang vẫn rao bán giá cao. Ảnh: Bình Minh.

Nhiều căn nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang vẫn rao bán giá cao. Ảnh: Bình Minh.

Thị trường thứ cấp sẽ bị ảnh hưởng

Theo kết quả một nghiên cứu của kênh Batdongsan, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng giá bán chung cư, lên đến 87% sau 6 năm, trung bình mỗi năm tăng gần 15%. Hết quý II, giá căn hộ trung bình ở Thủ đô đạt gần 76 triệu đồng/m2. Theo sau là TP Đà Nẵng và TP HCM với đà tăng giá bán lên đến 70% và 48%.

Tại nhiều khu đô thị, dự án đất nền, tình trạng nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích đều là đẩy giá kiếm lời. Mặt khác, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại việc áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng nhà đất có thể gây nghẽn thanh khoản cục bộ, làm chậm dòng chảy vốn trong nền kinh tế.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho rằng việc tính thuế theo giá bán và thời gian sở hữu, cao nhất 10% với thời gian nắm giữ dưới 2 năm (cao gấp 5 lần hiện hành) có thể khiến giao dịch sụt giảm, thị trường thứ cấp rơi vào trạng thái tạm thời đóng băng. Bởi tâm lý "lướt sóng" đã ăn sâu trong tư duy đầu tư của rất nhiều người Việt, trải dài ở nhiều phân khúc từ đất nền, chung cư đến thấp tầng. Họ thường có xu hướng "bán khi được giá" nên linh hoạt dịch chuyển dòng vốn sang các tài sản khác có lợi hơn trong từng thời điểm.

Theo ông Tuấn, phân khúc đất nền và căn hộ cao cấp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Đây là hai phân khúc nhà đầu tư thường "lướt sóng" trong vòng 6-18 tháng để tối đa hóa lợi nhuận. Khi biên lợi nhuận bị bào mòn, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.

Ông Tuấn cũng quan ngại việc áp dụng thuế mới có thể đẩy giá nhà tăng cao. Bởi bên bán thường cộng toàn bộ chi phí, gồm cả thuế vào giá bán. Khi mức thuế tăng, giá bán ra cũng sẽ tăng theo và người mua cuối cùng có thể phải gánh thêm chi phí này. Ngoài ra, lợi nhuận thực tế của nhà đầu tư chịu ảnh hưởng kéo theo kênh đầu tư bất động sản cũng trở nên kém hấp dẫn so với các kênh khác. Thị trường địa ốc Việt Nam cũng khó cạnh tranh với các nước trong khu vực nơi có mức thuế thấp hơn.

Theo các chuyên gia, để thực hiện hiệu quả chính sách đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng, yêu cầu tiên quyết là hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo kết quả một nghiên cứu của kênh Batdongsan, hơn 86% người mua bất động sản hiện nay nhằm mục đích đầu tư "lướt sóng" kiếm lời. Thời gian từ lúc họ mua đến khi sang tay tối đa trong một năm. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư giữ bất động sản dưới 6 tháng chiếm đến 50% và từ 6-12 tháng tầm 36%. Chỉ 14% giữ tài sản lâu hơn một năm.

Bình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/het-thoi-dau-co-khi-danh-thue-20-lai-chuyen-nhuong-bat-dong-san-10311001.html
Zalo