Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, nông nghiệp Tây Ninh cất cánh
Là một trong những tỉnh có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 4 hồ chứa nước là: Hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, hồ Nước Trong 1 và hồ Nước Trong 2.
Tây Ninh có 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao, phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 152.125 ha/3 vụ (khoảng 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó cấp nước tưới chủ động cho hơn 120.900 ha, đạt 80%); tiêu nước cho gần 97.000 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu m3/năm; ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp; các công trình đê bao ngăn lũ, cùng hệ thống tiêu thoát nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) phục vụ nước tưới cho hơn 17.000 ha đất khu vực biên giới, hiện công trình đang thực hiện giai đoạn 2, bê tông hóa tuyến kênh chính và xây dựng hệ thống kênh thủy lợi tưới, tiêu cấp 1, 2 phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, việc xây dựng và đưa vào vận hành khai thác công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng là chính là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh, với diện tích 270 km2, dung tích lên đến 1,58 tỷ m³, hồ Dầu Tiếng bảo đảm nước tưới cho đất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, giúp 70% diện tích đất hoang hóa được khai hoang và đưa vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển các loại cây trồng khác.
Hồ chứa nước Dầu Tiếng hiện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, với nhiệm vụ đa mục tiêu: cấp nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, TPHCM, Đồng Nai, cắt giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn, hỗ trợ tạo nguồn tưới, xả dòng chảy môi trường, cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông.

Công trình hồ Dầu Tiếng trình này đã mang lại những bước phát triển đáng kể cho ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh. Nguồn nước tưới tiêu ổn định, góp phần tăng diện tích, sản lượng nông nghiệp, giúp cải thiện năng suất cây trồng, nâng giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2025 đạt 115 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương.