Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel: Hiệu quả thực chiến vượt chuẩn mực toàn cầu
Những hệ thống phòng thủ tên lửa lừng danh của Israel như Iron Dome (Vòm sắt), Arrow và David's Sling không chỉ bảo vệ không phận quốc gia mà còn được đánh giá là đã vượt qua kỳ vọng trong cuộc chiến toàn diện với Iran.

Hệ thống tên lửa Vòm sắt cùa Israel. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel
Theo ông Moshe Patel, người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Israel (IMDO) thuộc Bộ Quốc phòng, chìa khóa thành công của hệ thống phòng không Israel nằm ở kiến trúc phòng thủ đa tầng – một mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách sao chép. Ông Patel nhấn mạnh: “Các hệ thống như Iron Dome không chỉ là biểu tượng công nghệ, mà là thực thể sống còn trong chiến tranh hiện đại".
Trong chiến dịch đối đầu trực tiếp với Iran gần đây, Israel đã đánh chặn thành công 86% tên lửa đạn đạo của Iran bằng các hệ thống phòng thủ tích hợp với Mỹ như THAAD và AEGIS, cùng với đó là 99% thiết bị bay không người lái (UAV) bị bắn hạ – một con số hiếm thấy trong bất kỳ cuộc xung đột hiện đại nào.
Ông Patel thừa nhận: "Thành thực mà nói, kết quả thực tế vượt xa những gì chúng tôi kỳ vọng. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ Arrow 3, và đang tiếp tục cải tiến nó".
Ông Patel là kỹ sư máy tính tốt nghiệp Technion và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từ Đại học Tel Aviv, đã gắn bó gần 30 năm với các hệ thống phòng thủ, đặc biệt là từ những ngày đầu của chương trình Arrow. Ông chia sẻ: “Khi bắt đầu, tôi chỉ nghĩ chúng tôi đang xây dựng một công cụ răn đe. Giờ thì nó là xương sống của an ninh quốc gia".
Trong năm 2024, 48% kim ngạch xuất khẩu quốc phòng của Israel (khoảng 14,79 tỷ USD) đến từ các hệ thống phòng không – cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ này ra toàn cầu.
Ông Patel khẳng định rằng Israel không chủ quan: "Chúng tôi luôn nhìn về phía trước. Các mối đe dọa như tên lửa siêu thanh hay ICBM với tốc độ cao, hành trình khó đoán buộc chúng tôi phải nâng cấp không ngừng".
Hãng Rafael hiện đang phát triển một hệ thống đánh chặn dành riêng cho mối đe dọa này. Trong khi đó, các hệ thống Arrow 4 và Arrow 5 đang được phát triển song song – với Arrow 4 sẽ thay thế Arrow 2, còn Arrow 5 sẽ bổ sung cho Arrow 3.
Israel đã bán Arrow 3 cho Đức với giá 3,5 tỷ USD, và David’s Sling cho Phần Lan với giá khoảng 390 triệu USD. Dù vậy, ông Patel khẳng định các nhu cầu trong nước vẫn được ưu tiên. “Việc duy trì sự cân bằng giữa xuất khẩu và nhu cầu quốc gia là thành tích lớn của các tập đoàn quốc phòng Israel”, ông đánh giá.
Tuy nhiên, những hệ thống hợp tác với Mỹ như Arrow 3 hay David’s Sling không thể xuất khẩu nếu không có sự đồng thuận từ Washington. Điều này không áp dụng cho hệ thống Spyder của Rafael, được sản xuất hoàn toàn trong nước và mới đây đã được Romania mua lại với giá khoảng 2,2 tỷ euro.
Ông Patel mô tả quan hệ quốc phòng Israel – Mỹ như một "cuộc hôn nhân lâu dài". Ông nói: "Từ ngày đầu tiên của Arrow, chúng tôi đã xây dựng hạ tầng liên kết với Mỹ. Trong chiến dịch chống Iran, hệ thống phối hợp giữa hai bên hoạt động hoàn hảo".
Ông tiết lộ rằng Mỹ sản xuất 50% linh kiện của Arrow 3, và các hệ thống của hai bên hoạt động gần như đồng bộ trong chiến đấu. "Đây không chỉ là chia sẻ công nghệ mà là sự đồng hành về chiến lược và cả tài chính", ông cho biết thêm.
Theo bản ghi nhớ hiện tại, Mỹ cấp cho Israel 500 triệu USD mỗi năm cho các chương trình phòng thủ tên lửa, kéo dài đến năm 2028. Tuy nhiên, sau đó tương lai vẫn chưa rõ ràng – nhất là trong bối cảnh chính quyền Mỹ có thể thay đổi chiến lược theo hướng tự chủ hơn, ví dụ với chương trình "Golden Dome" của Tổng thống Donald Trump.
Ông Patel khẳng định rằng các khoản viện trợ của Mỹ, ngoài gói cố định, vẫn đang được triển khai. Ví dụ vào năm 2019, Mỹ chi 700 triệu USD cho thử nghiệm Arrow 3 tại Alaska, và đến năm 2021, tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD trong chiến dịch “Guardians of the Wall” (Bức tường phòng thủ) - nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng rocket từ Dải Gaza, chủ yếu do nhóm vũ trang Hamas và Jihad Hồi giáo thực hiện. Trong cuộc chiến hiện tại, viện trợ của Mỹ đã lên đến 5,2 tỷ USD cho đạn đánh chặn và phát triển hệ thống phòng thủ bằng laser Iron Beam.
Theo ông Patel, không nhiều hệ thống phòng không của các quốc gia được gắn mác "đã được thử lửa chiến đấu", nhưng "Israel là một trong số rất ít nước có thể chứng minh hiệu quả thực chiến – từ Iron Dome đến David’s Sling, và đặc biệt là Arrow 3. Những gì đã được chứng minh trong thực tế chiến trường là không thể thay thế bằng mô phỏng”.