HĐND tỉnh An Giang công bố nhân sự UBND và cơ cấu tổ chức bộ máy sau sáp nhập
Ngày 1/7/2025, kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã chính thức diễn ra, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng sau khi tỉnh An Giang và Kiên Giang hợp nhất.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn y các chức danh lãnh đạo chủ chốt của HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh. Ba Phó Chủ tịch gồm bà Lê Hồng Thắm, bà Đinh Thị Việt Huỳnh và ông Giang Văn Phục.
Các Trưởng ban chuyên trách được công bố gồm: ông Phạm Văn Màu - Trưởng Ban Pháp chế; ông Ngô Hen - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách; ông Tống Văn Kiếm - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội; và ông Lê Thanh Dũng - Trưởng Ban Dân tộc.
Đồng thời, HĐND tỉnh cũng công bố danh sách 16 ủy viên UBND tỉnh, bao gồm: Thiếu tướng Nguyễn Văn Hận, ông Nguyễn Văn Ngành, ông Trần Quang Bảo, ông Trần Quang Hiền, ông Nguyễn Khánh Hiệp, ông Nguyễn Thống Nhất, ông Võ Minh Trung, ông Bùi Quốc Thái, ông Danh Phúc, ông Nguyễn Hoàng Thông, ông Lê Hữu Toàn, ông Lê Việt Bác, ông Trịnh Tuấn Ngọc, ông Nguyễn Như Anh, ông Phạm Minh Tâm và ông Lê Kỳ Quang. Đây là đội ngũ nòng cốt trong việc vận hành bộ máy UBND tỉnh An Giang mới sau hợp nhất.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải tặng hoa chúc mừng thành viên UBND tỉnh. Ảnh: baoangiang.com.vn
Một nội dung trọng tâm khác tại kỳ họp là việc thông qua nghị quyết thành lập 14 sở ngành thuộc UBND tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất các sở tương ứng của hai tỉnh trước đây.
Các sở chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, bao gồm: Sở Công Thương; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Xây dựng; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh. Việc tái cơ cấu này nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng thông qua việc thành lập bốn ban chuyên môn trực thuộc HĐND gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Dân tộc. Các ban này sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác thẩm tra, giám sát và phản biện các chính sách phát triển của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc kiện toàn bộ máy chính quyền sau sáp nhập.
Ông khẳng định, đây không chỉ là sự điều chỉnh về hành chính, mà còn là một bước đi mang tính cải cách sâu rộng, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Mô hình tỉnh mới được kỳ vọng sẽ tận dụng tốt hơn các thế mạnh về kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại biên giới và du lịch, qua đó tạo ra cực tăng trưởng mới ở vùng Tây Nam Bộ.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu HĐND và UBND tỉnh nhanh chóng ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng đơn vị; khẩn trương kiện toàn nhân sự; xây dựng và triển khai quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch.
Ông cũng đề nghị HĐND các cấp phát huy vai trò trung tâm trong việc xây dựng các chính sách đặc thù, đột phá, tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cử tri và người dân.
“Cơ hội mới, tổ chức mới và nguồn lực mới đã sẵn sàng. Điều cần thiết lúc này là quyết tâm chính trị và hành động cụ thể từ mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương. Tinh thần ‘Đoàn kết - Kiến tạo - Vì dân’ cần được cụ thể hóa bằng kết quả thực chất trong suốt nhiệm kỳ, như một cam kết mạnh mẽ với Nhân dân và trách nhiệm với Đảng bộ” ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.