Hát Soọng cô: Di sản tâm hồn của người Sán Dìu giữa lòng núi rừng Tuyên Quang

Hát Soọng cô là một loại hình dân ca truyền thống độc đáo của người Sán Dìu – dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang. Đây không chỉ là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa, xã hội và tâm linh. Trong nhiều trường hợp, hát Soọng cô được xem là hình thức hát lễ, hát cầu an, cầu mùa, thể hiện niềm tin vào tự nhiên và tổ tiên của người Sán Dìu.

Các nghệ nhân xã Sơn Thủy truyền dạy làn điệu Soọng cô

Các nghệ nhân xã Sơn Thủy truyền dạy làn điệu Soọng cô

Tại tỉnh Tuyên Quang, hát Soọng cô mang đậm tính trữ tình, đậm đà bản sắc dân tộc với hình thức đối đáp giữa nam và nữ. Loại hình nghệ thuật này thường xuất hiện trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, ngày xuân…, trở thành không gian gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng. Về hình thức diễn xướng, Soọng cô tương tự các làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng; quan họ, hát ghẹo, hát xoan của người Kinh - như một hình thức hát giao duyên, nơi nam nữ thanh niên tìm hiểu, bày tỏ tình cảm qua lời ca tiếng hát.

Soọng cô thường sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ hoặc truyền khẩu. Những câu hát không chỉ bày tỏ tâm tư, tình cảm của đôi lứa đang trong thời kỳ tìm hiểu, mà còn là phương tiện tinh tế để giãi bày nỗi lòng, khi lời nói thường ngày khó thể hiện được hết.

Không dừng lại ở hát giao duyên, Soọng cô còn xuất hiện trong các sinh hoạt đời thường như hát ru con, hỏi thăm gia đình, bạn bè, hay trong lúc đi nương, xuống ruộng, đi chơi làng. Hình thức biểu diễn không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, có thể kéo dài suốt đêm, diễn ra trong nhà, ngoài suối hay giữa nương rẫy. Những giai điệu, hình ảnh, lời ca mộc mạc nhưng sâu sắc, giàu biểu cảm đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người Sán Dìu.

Tuy nhiên, hát Soọng cô hiện nay đang đối diện nguy cơ mai một, đặc biệt khi lớp trẻ không còn sử dụng thường xuyên tiếng Sán Dìu - ngôn ngữ quan trọng để lĩnh hội và thực hành loại hình nghệ thuật này. Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư (xã Sơn Thủy) cho biết, muốn hát Soọng cô, bắt buộc phải biết tiếng dân tộc. Song thực tế, nhiều thanh niên hiện nay chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông khi học tập, làm việc, khiến việc truyền dạy và phục dựng Soọng cô trở nên khó khăn.

Trước thực trạng đó, các nghệ nhân tâm huyết của xã Sơn Thủy đã và đang nỗ lực giữ gìn vốn quý cha ông để lại. Đứng đầu phong trào bảo tồn này là các nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy, Đỗ Thị Man và nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư - những người đã được Chủ tịch nước và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu, ghi nhận đóng góp cho cộng đồng.

Với vai trò là một giáo viên, nghệ nhân Lục Thị Tư đã biên soạn giáo trình hát Soọng cô ngắn gọn, dễ học, dễ nhớ. Nhờ đó, trong thời gian qua, hai lớp học với 47 học viên đã thành công bước đầu: thông thạo tiếng Sán Dìu. Sau khi hoàn thành giai đoạn học ngôn ngữ, các nghệ nhân của Câu lạc bộ hát Soọng cô tiếp tục truyền dạy các làn điệu cơ bản và nâng cao với nhiều bài khó.

Câu lạc bộ Hát Soọng cô xã Sơn Thủy, tỉnh Tuyên Quang

Câu lạc bộ Hát Soọng cô xã Sơn Thủy, tỉnh Tuyên Quang

Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Phi Khanh - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang đến thăm nhà nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy tại thôn Ninh Phú, xã Xuân Thủy. Dù thời thế thay đổi, ông vẫn giữ nguyên nếp nhà truyền thống: nhà gỗ, mái ngói, chân cột hiên cổ kính, nội thất với hoành phi, câu đối, sập gụ, bàn ghế cổ… không gian mang đậm văn hóa người Sán Dìu. Năm 2004, từ gian nhà truyền thống này, ông Bảy đã thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô của xã với 35 thành viên. Đến nay, số hội viên đã tăng lên 120 người, chủ yếu là thanh niên – thế hệ kế cận được trực tiếp truyền dạy các làn điệu dân ca quý báu.

Lãnh đạo xã Sơn Thủy chia sẻ, địa phương có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm đặc biệt. Trung tâm của công cuộc bảo tồn ấy không ai khác chính là các nghệ nhân.

Thực tế cho thấy, tại Sơn Thủy, nhiều nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân dân gian đang hoạt động tích cực, hiệu quả. Các lớp học, câu lạc bộ ra đời, góp phần làm sống lại không gian văn hóa dân gian một thời. Tiêu biểu là Câu lạc bộ hát Soọng cô - đơn vị nòng cốt trong phong trào văn nghệ cơ sở, đồng thời là “sứ giả văn hóa” đưa bản sắc Sán Dìu Tuyên Quang đi khắp cả nước, đặc biệt đến các tỉnh có đồng bào Sán Dìu như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh.

Tự hào với di sản của cha ông, người Sán Dìu xã Sơn Thủy hôm nay đang từng bước khôi phục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ngay trong bối cảnh hiện đại hóa.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cao tại Sơn Thủy - một tín hiệu tích cực cho đời sống kinh tế - cũng đặt ra thách thức không nhỏ với công tác bảo tồn văn hóa. Nếu việc gìn giữ không được tiến hành bài bản, căn cơ, nhiều giá trị truyền thống, trong đó có hát Soọng cô, có nguy cơ bị mai một theo thời gian.

Trần Thắng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hat-soong-co-di-san-tam-hon-cua-nguoi-san-diu-giua-long-nui-rung-tuyen-quang-a29449.html
Zalo