Hạt nhân xây dựng nông thôn mới bền vững ở Hà Tĩnh
Từ những vùng chè Kỳ Anh đến vườn bưởi Hương Khê, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đang thấm sâu vào từng nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Trung tâm của hành trình chuyển mình đó là vai trò ngày càng nổi bật của các tổ hợp tác, HTX – những "tế bào kinh tế" nhỏ nhưng bền vững, đang cùng chính quyền và người dân tạo dựng diện mạo mới cho nông thôn Hà Tĩnh.
Tiên phong tạo chuyển biến
Thôn Nam Sơn, xã Kỳ Trung (nay là xã Kỳ Văn) – vùng đất từng bị đánh giá là “vùng trũng” về kinh tế, đang trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhờ làn sóng sản xuất chè an toàn gắn với tiêu chuẩn VietGAP và mã số vùng trồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm là một trong những hộ tiên phong cải tạo gần 1 ha chè bằng giống PH1 chất lượng cao, áp dụng quy trình chăm sóc hiện đại. Kết quả ngoài mong đợi, khi năng suất chè đạt 3 tạ/sào/tháng – tăng hơn 10% so với trước, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm gần một nửa, mà chất lượng vẫn vượt trội.

Diện mạo nông thôn mới ở Hà Tĩnh ngày càng khởi sắc.
Đằng sau thành công đó là sự đồng hành sát sao của Tổ hợp tác sản xuất chè thôn Nam Sơn, với 41 hộ dân tham gia. “Sản xuất theo VietGAP giúp chúng tôi ghi chép đầy đủ, phun thuốc đúng liều lượng, đảm bảo cách ly. Năng suất cao hơn, giá bán tăng hơn 25% so với sản xuất đại trà. Người dân rất phấn khởi”, ông Trần Công Quý – Tổ trưởng Tổ hợp tác phấn khởi nói.
Không dừng ở việc chuẩn hóa quy trình, các tổ hợp tác, HTX và chính quyền địa phương còn phối hợp cấp mã số vùng trồng – coi như “thẻ căn cước” cho sản phẩm nông nghiệp. Đây là điều kiện then chốt để chè Kỳ Trung vươn ra thị trường lớn hơn, minh bạch nguồn gốc, thuận tiện truy xuất, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp chủ lực, trong đó có mô hình trồng chè hữu cơ, là yếu tố quan trọng giúp xã Kỳ Trung trước đây, hay hiện tại là xã Kỳ Văn (sau sáp nhập) trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.
Nếu Kỳ Trung nổi tiếng với cây chè thì khu vực huyện Hương Khê (cũ) lại nổi tiếng với đặc sản bưởi Phúc Trạch. Tại các vùng trồng bưởi, nhiều tổ hợp tác, HTX cũng đang là cánh tay nối dài giúp nông dân phát triển nông nghiệp sạch, hiện đại.
Điển hình như Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch thôn Ngọc Bội (xã Hương Trạch, nay là xã Phúc Trạch) được cấp mã số vùng trồng từ năm 2023, đồng thời hướng tới sản xuất hữu cơ.
Nâng tầm nông sản địa phương
Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch Phan Xuân Hiến cho biết: “Chúng tôi đã có chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ cho hơn 45 tấn bưởi/năm, đang ở năm thứ 2 của giai đoạn chuyển đổi”.
Nhờ gắn mã vùng, người trồng bưởi chủ động hơn trong ghi chép, truy xuất thông tin, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi khi tiếp cận siêu thị, sàn thương mại điện tử và thị trường xuất khẩu. Đây là cú hích quan trọng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Có một thực tế là thị trường tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Việc liên kết với doanh nghiệp lớn để bao tiêu, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch, còn gặp khó khăn.
Điều đó đòi hỏi tổ hợp tác, HTX phải nâng cao năng lực quản lý, chuẩn hóa hồ sơ kỹ thuật, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu và sản lượng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đồng hành, đặc biệt trong hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ.

Thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh có dấu ấn từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 102 mã số vùng trồng với diện tích hơn 1.570 ha, tập trung vào các cây chủ lực như lúa, chè, cam, bưởi. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp và người dân.
Việc cấp mã số không chỉ giúp minh bạch hóa thông tin sản xuất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc, cảnh báo dịch bệnh, lập kế hoạch sản xuất và đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, đây là yếu tố đóng góp quan trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn mới bằng nội lực
Để các HTX, tổ hợp tác thực sự trở thành “chủ thể” trong xây dựng nông thôn mới, vai trò hỗ trợ từ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh là không thể thiếu.
Những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kết nối HTX với các doanh nghiệp bao tiêu, sàn thương mại điện tử.
Nhiều HTX được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tiếp cận các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực trồng cây ăn quả, chè, lúa hữu cơ… Qua đó, không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm, mà còn tạo ra nhiều việc làm ổn định cho người lao động nông thôn.
Trong năm 2025, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ các HTX Hà Tĩnh trong phát triển vùng nguyên liệu tập trung, số hóa quy trình truy xuất, cũng như hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tính đến đầu tháng 5/2025, Hà Tĩnh có 169/169 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 40,5%), 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 10,6%), 9/12 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1.205/1.512 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 79,9%). Tỉnh cũng đã hoàn thành 6/8 yêu cầu để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đằng sau những con số ấn tượng là sự chuyển biến thực chất trong tư duy, cách làm của người dân. Từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa có tổ chức. Từ việc chỉ biết “làm ra” sang biết “bán ra” – hướng đến thị trường.
Và quan trọng nhất, từ chỗ manh mún, tự phát, nay đã hình thành những chuỗi liên kết có sự tham gia của HTX – tổ hợp tác – doanh nghiệp – nhà khoa học – cơ quan nhà nước, tạo thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Những kết quả đã đạt được là cơ sở vững chắc để Hà Tĩnh tiếp tục hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tuy nhiên, để các tổ hợp tác, HTX phát triển mạnh mẽ hơn, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là về vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nhân lực trẻ, xây dựng hệ thống logistics nông sản và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Chỉ khi nào tổ hợp tác, HTX thực sự là “bạn đồng hành” của nông dân, là “trung tâm” của vùng sản xuất và là “cầu nối” với thị trường, thì xây dựng nông thôn mới mới thật sự bền vững – như những gì đã, đang và sẽ diễn ra tại Hà Tĩnh.