Hành vi mua bán thai nhi vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền trẻ em

Đại biểu Quốc hội đề nghị, cần phải có những quy định cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em bao gồm cả thai nhi trong bụng mẹ.

Ngày 24/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm, đề nghị cân nhắc hành vi mới phát sinh trong thực tiễn liên quan đến hành vi mua bán người, đó là mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Nữ đại biểu cho biết, hành vi này bắt đầu diễn ra từ khi mang thai đến thời điểm trẻ chưa chào đời nên hậu quả chưa xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Pháp luật hình sự chưa coi thai nhi là đối tượng của hành vi phạm tội mua bán người nên cơ quan chức năng chưa có căn cứ pháp lý xử lý hành vi mua bán thai nhi.

“Theo tôi, dưới góc độ pháp luật, hành vi bà mẹ có thai rồi bán cũng là hành vi mua bán người và có dấu hiệu phạm tội mua bán người,” bà Huỳnh Thị Phúc nêu quan điểm và đề nghị cân nhắc xem xét giải pháp phù hợp với hành vi mua bán thai nhi.

Bên cạnh đó, hiện nay, các đối tượng mua bán người che giấu bằng những hình thức tinh vi, phức tạp như tham quan, ký kết hợp đồng kinh tế, kết hôn qua môi giới, nhận con nuôi... thông qua pháp nhân thương mại. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại về tội mua bán người để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhận định, hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, hành vi này chưa được quy định trong pháp luật để điều chỉnh, do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp mua bán thai nhi.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, theo công ước quốc tế, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay trong bụng mẹ. Hành vi mua bán thai nhi vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền trẻ em, đòi hỏi các quốc gia thành viên có công cụ pháp lý cụ thể để bảo vệ. Ông Bình cho rằng, việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các hành vi mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng.

Đại biểu Thạch Phước Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Thạch Phước Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người. Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật, đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm này.

Cùng với đó, cần bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông kiến nghị, để ngăn chặn hành vi này cần đưa ngay vào luật và có chế tài mạnh, đủ sức răn đe để hành vi này được hạn chế thấp nhất, đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền trong xã hội để chúng ta nâng cao cảnh giác cao độ với đối tượng này.

Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, buôn bán thai nhi là hành vi vô nhân đạo vì chưa hình thành người đã có người đặt tiền mua, những đối tượng mua bán thai nhi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh biên giới thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, kể cả bằng tiếng dân tộc đối với các em nhỏ, đặc biệt là từ 14-16 tuổi, đối tượng dễ bị dụ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, hiện nay rất hiếm để phát hiện vụ việc mua bán thai nhi để truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó phải rất là nghiêm khắc với hành vi mua bán người, đây là hành vi phi đạo đức không có trách nhiệm với con cái của mình, tuy nhiên tùy trường hợp cụ thể và theo mức độ tính chất để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật).

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/hanh-vi-mua-ban-thai-nhi-vi-pham-nghiem-trong-quyen-con-nguoi-quyen-tre-em-d4756.html
Zalo