Hành trình trách nhiệm - Bài 1: Từ tham gia đến kiến tạo
Ba thập niên kể từ khi chính thức trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (28/7/1995), Việt Nam đã không ngừng khẳng định vai trò là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong tiến trình hội nhập và phát triển của khu vực.
Hành trình đầy nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN đã được nhiều học giả, chuyên gia quốc tế có hiểu biết sâu sắc về khu vực đánh giá cao và được tổng hợp trong chùm bài 2 bài "Hành trình trách nhiệm".

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (Indonesia, 10/3/2025). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Bài 1: Từ tham gia đến kiến tạo
Ba thập niên đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét không chỉ ở vai trò chủ động, sáng tạo trong hội nhập khu vực, mà còn ở năng lực dẫn dắt, kết nối, kiến tạo và định hình tầm nhìn phát triển dài hạn cho ASEAN.
Nâng cao vị thế của ASEAN
Theo bà Dinna Prapto Raharja, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách Synergy của Indonesia, việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 đã thực sự củng cố địa chính trị của các nước Đông Nam Á. Với sự tham gia của Việt Nam, "ASEAN có một cấu trúc đáng tin cậy hơn nhiều trong khu vực và điều đó rất quan trọng". Có thể khẳng định đây là đóng góp đầu tiên của Việt Nam khi tham gia tổ chức khu vực này - góp phần nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN.
Từ đóng góp ban đầu, trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc nâng cao vai trò quốc tế của ASEAN. Ông Beni Sukadis, Điều phối viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi), nêu rõ Việt Nam là “cầu nối” trong điều phối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, giúp ASEAN phát triển quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các nước lớn, thúc đẩy phát triển bền vững và đối thoại hòa bình. Qua đó, vai trò trung tâm của ASEAN được nâng cao.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia. Ảnh: Thanh Tú/TTXVN
Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) đánh giá Việt Nam là một trong những thành viên đi đầu trong việc nâng cao năng lực thể chế của ASEAN, nhất là thông qua đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do và đối tác chiến lược. Ông cho rằng Việt Nam đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các Hiêp định tự do thương mại (FTA) lớn của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) – từ đó nâng tầm ASEAN như một khối có sức cạnh tranh và ảnh hưởng toàn cầu. Việt Nam cũng là nước nhiều lần đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác lớn.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Chu Hoàng Long (Đại học Quốc gia Australia) gọi Việt Nam là “nút hợp tác đa phương” nhờ chính sách đối ngoại cân bằng và vị trí chiến lược. Ông tin rằng trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò trung gian hòa giải hiệu quả giữa ASEAN và các đối tác có lợi ích đan xen. Giáo sư Hal Hill (Đại học Quốc gia Australia) nhấn mạnh, Việt Nam là hình mẫu trong việc “ứng xử linh hoạt và cân bằng” trong quan hệ với các cường quốc – một yếu tố quan trọng bảo đảm sự trung lập chiến lược của ASEAN.
Không chỉ vậy, theo Giáo sư Chu Hoàng Long, với tốc độ tăng trưởng trung bình cao nhất khu vực, Việt Nam đang góp phần nâng cao vị thế kinh tế của ASEAN trên bản đồ toàn cầu.
Định hình hướng đi

Ông Beni Sukadis, điều phối viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi). Ảnh: Văn Phong/PV TTXVN tại tại Indonesia
Suốt 30 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật cho nhiều sáng kiến của ASEAN trong các lĩnh vực then chốt như chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, trở thành một trụ cột hợp tác vững chắc, góp phần củng cố đoàn kết nội khối và xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.
Ngay sau khi gia nhập, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm trong xây dựng cộng đồng ASEAN thống nhất và đoàn kết khi thúc đẩy kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar, hiện thực hóa tầm nhìn về một ASEAN bao trùm – không chỉ là liên kết của một số ít quốc gia. Việt Nam cũng nhất quán đề cao các nguyên tắc đồng thuận, đoàn kết và đối thoại – nền tảng bảo đảm sự vững bền của “ngôi nhà chung” Đông Nam Á. Giáo sư Ruhanas Harun – Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc phòng Malaysia (UPNM) – cho rằng Việt Nam có thể đóng vai trò điều hòa trong ASEAN khi có những quan điểm xung đột, bởi "Việt Nam là thành viên quan trọng nhất, lớn nhất trong số những nước thành viên mới gia nhập ASEAN".
Trong 3 nhiệm kỳ giữ vai trò Chủ tịch ASEAN (1998, 2010, 2020), Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn điều phối và kiến tạo. Năm 1998, Việt Nam chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á, giúp củng cố lòng tin và sự phối hợp nội khối. Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, Việt Nam tiếp tục dẫn dắt ASEAN thích ứng linh hoạt, duy trì hợp tác và đoàn kết.
Việt Nam còn thúc đẩy các sáng kiến dài hạn - từ việc hình thành Tầm nhìn ASEAN 2020, thông qua Hiến chương ASEAN, đến việc dẫn dắt tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Chuyên gia Beni Sukadis nhận định chính sự chủ động và nhất quán đã giúp Việt Nam có vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy nguyên tắc pháp quyền thông qua đối thoại xây dựng và đàm phán hòa bình. Đây là cơ sở để Việt Nam có đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định khu vực, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, tham gia đàm phán và ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc; cũng như đàm phán sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.
Việt Nam còn là một trong những động lực kinh tế năng động nhất trong ASEAN. Việt Nam vận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực. Bà Dinna Prapto Raharja (Viện nghiên cứu Chính sách Synergy của Indonesia) khẳng định Việt Nam là “hình mẫu cải cách hiệu quả” với khả năng phục hồi sau khủng hoảng. Bà cho biết Việt Nam góp phần vào kết quả tăng trưởng thương mại nội khối ASEAN gấp 4 lần trong 30 năm qua.
Chia sẻ ý kiến trên, Giáo sư Hal Hill thuộc Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia (ANU) nêu bật Việt Nam đã chủ động thúc đẩy hội nhập, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế và tạo dựng hình ảnh một quốc gia năng động, có trách nhiệm trong khu vực. Từ một nước tụt hậu, Việt Nam nay đã vươn lên thành nền kinh tế năng động nhất ASEAN trong thế kỷ XXI.
Việt Nam cũng đang nổi lên là trung tâm sản xuất và đổi mới, đóng góp vào việc hình thành một “mô hình kinh tế ASEAN” tự chủ hơn. Theo ông Harry Hoàng – Chủ tịch Hội người Việt tại thủ đô Canberra, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Canberra và là người được Toàn quyền Australia tặng Huân chương Danh dự Australia (OAM), Việt Nam có vai trò đặc biệt trong chiến lược “Made in ASEAN”, không chỉ ở năng lực sản xuất mà còn ở việc xây dựng tư duy kinh tế khu vực.
Giới chuyên gia lưu ý trong bối cảnh ASEAN hướng tới Tầm nhìn Cộng đồng 2045, sự phát triển bền vững và cải cách liên tục của Việt Nam có giá trị khu vực, như một mô hình phát triển lấy cải cách làm nền tảng và hội nhập làm động lực..
Giáo sư Hal Hill cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có vai trò trong định hướng phát triển của ASEAN vì ba yếu tố nổi bật sau: Thứ nhất, Việt Nam có quy mô lớn về dân số và diện tích, tạo ra ảnh hưởng tự nhiên trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất ASEAN, có tiềm năng trở thành đầu tàu tăng trưởng trong thập niên tới. Thứ ba, Việt Nam đang chứng minh khả năng dẫn dắt trong xử lý quan hệ với các cường quốc, đang là hình mẫu trong cách cân bằng giữa hai cường quốc lớn trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - điều mà nhiều nước Đông Nam Á đang tìm cách học hỏi.
Ba thập niên đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định vị thế, bản lĩnh và cam kết lâu dài, có trách nhiệm của Việt Nam với ngôi nhà chung khu vực. Từ một quốc gia mới gia nhập, Việt Nam nay là trụ cột vững vàng, cầu nối đối thoại và hình mẫu hội nhập. Trong giai đoạn ASEAN định hình tương lai với Tầm nhìn Cộng đồng 2045, những đóng góp về an ninh, thể chế, kinh tế và xã hội của Việt Nam chính là nền tảng vững chắc cho vai trò ngày càng chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong cấu trúc khu vực đang chuyển biến nhanh chóng.