Hành trình pháp lý 12 năm của người sáng lập WikiLeaks đến hồi kết

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã được trả tự do ngày 26-6 (giờ địa phương), theo phán quyết của Thẩm phán Ramona Manglona thuộc tòa án ở đảo Saipan, thuộc quần đảo Bắc Mariana, vùng lãnh thổ trên Thái Bình Dương của Mỹ.

Trước đó một ngày, ông Assange được thả khỏi nhà tù ở Anh sau khi nhận tội gián điệp.

Theo CNN, ông Assange (52 tuổi) đã đồng ý nhận tội liên quan đến vai trò trong vụ việc WikiLeaks công bố gần nửa triệu tài liệu quân sự bí mật liên quan đến các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.

Nhân vật gây tranh cãi này đã trải qua một cuộc chiến pháp lý kéo dài 12 năm, trong đó 5 năm cuối ông bị giữ trong nhà tù an ninh cao Belmarsh ở phía Đông Nam London.

Trong 7 năm trước đó, ông Assange ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador ở thủ đô Anh, cố gắng tránh bị bắt giữ, điều có thể dẫn đến án tù chung thân.

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange bên ngoài Tòa án cấp quận của Mỹ sau phiên điều trần ở thủ phủ Saipan của quần đảo Bắc Mariana - Mỹ - Ảnh: REUTERS

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange bên ngoài Tòa án cấp quận của Mỹ sau phiên điều trần ở thủ phủ Saipan của quần đảo Bắc Mariana - Mỹ - Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận nhận tội khép lại một câu chuyện pháp lý kéo dài, cho phép ông Assange tránh nhà tù ở Mỹ và trở về Úc với tư cách là người tự do.

12 năm trước, ông Assange bị chính quyền Mỹ truy nã vì tội gián điệp liên quan đến việc Wikileaks xuất bản hàng trăm ngàn tài liệu chính phủ và quân sự nhạy cảm do cựu nhân viên phân tích tình báo quân đội Chelsea Manning cung cấp vào năm 2010 và 2011.

Mỹ cáo buộc nhà sáng lập Wikileaks gây nguy hiểm đến tính mạng của các nguồn tin bí mật bằng cách công bố các bức điện chưa được lọc và tìm cách dẫn độ ông Assange trong nhiều năm.

Assange từ lâu đã lập luận rằng vụ kiện chống lại ông có động cơ chính trị, rằng ông sẽ không được xét xử công bằng và việc dẫn độ ông sang Mỹ sẽ vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền.

Ông Assange phải đối mặt với 18 cáo buộc và phải đối mặt với mức án tối đa lên tới 175 năm tù. Chính quyền Anh đã tìm kiếm sự bảo đảm từ Mỹ rằng ông sẽ không nhận án tử hình.

Ông Assange thành lập WikiLeaks vào năm 2006 với tư cách là một kho lưu trữ trực tuyến sẽ xuất bản các tài liệu được gửi ẩn danh.

Năm 2010, WikiLeaks thu hút sự chú ý toàn cầu khi công bố đoạn video được cho là chiếu cảnh một cuộc tấn công chết người bằng trực thăng của Mỹ ở Iraq năm 2007.

Ngay sau đó, WikiLeaks công bố hàng ngàn tài liệu mật của quân đội Mỹ liên quan đến các hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan, cũng như một loạt điện tín ngoại giao.

Vào tháng 8-2010, ông Assange bị buộc tội tấn công tình dục ở Thụy Điển và phải đối mặt với lệnh bắt giữ quốc tế. Ông phủ nhận cáo buộc, gọi đó là "một chiến dịch bôi nhọ" và từ chối đến Stockholm để thẩm vấn.

Ông chủ Wikileaks đã tự nộp mình cho chính quyền Anh khi được tại ngoại vào năm 2012 trong lúc kháng cáo việc dẫn độ về Thụy Điển. Sau đó, ông đã đến Đại sứ quán Ecuador ở London để xin tị nạn chính trị và được chấp thuận.

Trong 7 năm tiếp theo ông Assange ở Đại sứ quán Ecuador, WikiLeaks tiếp tục hoạt động. Vào năm 2016, trang web này công bố hàng ngàn email dường như đã bị đánh cắp từ Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ và tài khoản email cá nhân của chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton là ông John Podesta.

Sự việc xảy ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm đó, ít nhiều gây ảnh hưởng cho bà Clinton, khi ấy là ứng viên của đảng Dân chủ.

Theo thời gian, mối quan hệ của ông Assange với Ecuador trở nên xấu đi và tổng thống nước này đã chấm dứt việc cho ông tị nạn.

Năm 2019, ông Assange bị Cảnh sát London bắt ra khỏi đại sứ quán Ecuador theo yêu cầu dẫn độ từ Bộ Tư pháp Mỹ và trải qua 5 năm tiếp theo hầu như biệt lập trong phòng giam rộng 3mx 2m tại nhà tù Belmarsh.

Thỏa thuận nhận tội

Vào tháng 5 năm nay, Tòa án Tối cao London đã ra phán quyết rằng ông Assange có quyền kháng cáo trong thách thức cuối cùng chống lại việc dẫn độ sang Mỹ. Trước đó một tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ám chỉ đến một thỏa thuận có thể được các quan chức chính phủ Úc thúc đẩy.

Phát biểu trước Quốc hội Úc hôm 25-6, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết: "Bất kể quan điểm của mọi người về hoạt động của ông Assange như thế nào, vụ việc đã kéo dài quá lâu. Việc ông ấy tiếp tục bị giam giữ sẽ chẳng thu được gì và chúng tôi muốn ông ấy được trở về Úc”.

"Tôi nghĩ tòa án biết rằng ông Assange đã phải chịu những hậu quả đáng kể, bao gồm thời gian ở Belmarsh và chúng tôi tin rằng xét theo các hướng dẫn, việc không có tiền án tiền sự và bản chất của hành vi, thì không cần phải giam giữ thêm nữa và thời gian thụ án là phù hợp" - The Guardian dẫn lời Thẩm phán Manglona hôm 25-6.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hanh-trinh-phap-ly-12-nam-cua-nguoi-sang-lap-wikileaks-den-hoi-ket-196240626094607335.htm
Zalo