Hành trình 'phá kén' và chinh phục con đường ngoại giao của nữ sinh ngành Ngôn ngữ Anh
Từng là một cái tên nổi bật ở môn tiếng Anh và đạt thủ khoa trong các kỳ thi Học sinh Giỏi TP. HCM, Olympic 30/4... cùng với chứng chỉ 8.5 IELTS ngay lần thi đầu, Lê Đỗ Thanh Tú (sinh năm 2005, năm thứ hai, ngành Ngôn ngữ Anh, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), lại dũng cảm rẽ hướng sang lĩnh vực ngoại giao.
Ngoại giao và những cơ duyên “không ngờ tới”
Bước ngoặt lớn trong hành trình của Thanh Tú trong con đường ngoại giao đến từ việc tham gia vào Hội nghị Mô phỏng ASEAN khu vực TP. HCM (HCMMAM) năm 2024 nhờ vô tình được giới thiệu. Lúc đó Tú rất lo lắng vì những gương mặt xung quanh đều quá “đáng gờm”, có nền tảng vững chắc về lĩnh vực ngoại giao.
Tú chia sẻ: “Mình xuất thân từ một chuyên ngành ngoại ngữ thế nên mình chưa được tiếp cận nhiều về những kiến thức về chính trị, ngoại giao hay kinh tế”. Thế nhưng, thay vì bỏ cuộc, cô tự dặn lòng “mình nhất định không được thua” và bắt đầu về nhà nghiêm túc tự trang bị thêm kiến thức và kỹ năng, nghiên cứu nhiều tài liệu và tìm sự hỗ trợ của đồng đội.
Tại trải nghiệm đó, Thanh Tú xuất sắc nhận danh hiệu “Đại biểu có màn thể hiện xuất sắc nhất tại phiên Hội nghị Thượng đỉnh”, đối với cô thì đó là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả bản thân và đồng đội. “Sau đó thì mình lại có duyên tiếp xúc với rất nhiều các anh chị ở lĩnh vực quan hệ quốc tế và mình càng thích ngoại giao hơn nữa. Nhờ hành trình đó mà mình đã tìm được niềm đam mê đang ẩn náu trong mình”, Tú bày tỏ.
Điều đặc biệt là trước đây, Thanh Tú lại không mấy “thiện cảm” với lĩnh vực này và cô cũng chưa từng nghĩ nó sẽ là một hướng đi trong tương lai của mình. “Mình cũng có người bạn thân thích ngoại giao nên rất nhiệt tình bàn với mình và mình thì lại không hứng thú lắm, rồi nhiều lúc mình với bạn thân cũng có những cuộc cãi nhau và tranh luận về những chủ đề đó luôn!”, Tú nhớ lại. Nhưng Thanh Tú thừa nhận, chính người bạn đó cũng là người đầu tiên tiếp xúc với lĩnh vực ngoại giao và đôi khi chính những lời nói vu vơ của bạn hoặc việc tranh luận ở lớp đã hình thành cho Tú những kiến thức nền đầu tiên.
Không dừng lại ở đó, Thanh Tú tận dụng thế mạnh ngoại ngữ của mình để phát triển về ngoại giao, tiêu biểu như tú là Đại biểu Thanh niên của SSEAYP lần thứ 48, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Net-Zero Summit tổ chức ở Jakarta, Indonesia 2024, phiên dịch viên Triển lãm Giáo dục Hoa Kỳ EducationUSA và phiên dịch viên chương trình Khảo sát thị trường ở Việt Nam của sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội Singapore (Singapore University of Social Sciences)... Những trải nghiệm này đã giúp cô có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành và tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực ngoại giao.
Vượt qua “cái bóng lớp 12” và tìm lại chính mình
Trước khi vào đại học và định hướng con đường ngoại giao, Thanh Tú từng là một học sinh chuyên Anh tại trường THPT Gia Định (TP. HCM), với nhiều thành tích đáng nể. Tại đây, cô đã thay đổi rất nhiều, từ một người nhút nhát, ít nói thành người mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Cũng tại môi trường này, Tú đạt thủ khoa môn Tiếng Anh trong kỳ thi Olympic 30/4 toàn miền Nam, giải Nhất Học sinh Giỏi cấp Thành phố 2022 - 2023 và đạt 8.5 IELTS trong lần thi đầu tiên. Thế nhưng, việc đạt quá nhiều thành tích xuất sắc như vậy vô hình trung đã khiến cô bị chênh vênh và áp lực ngay trong những ngày đầu bước vào môi trường đại học.
Khi bước vào năm thứ nhất, Thanh Tú tìm kiếm và thử những công việc phù hợp với chuyên ngành của bản thân, trong đó là việc giảng dạy tiếng Anh. Chính lúc đó cô mới nhận ra mình không có sự đam mê trong công việc giảng dạy, mặc dù công việc đã giúp cô học được nhiều thứ.
Theo đuổi chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và đã gặt hái các thành tích vượt trội khác ở ngôn ngữ này, Thanh Tú lại không tìm được “lửa” trong những công việc liên quan như biên phiên dịch hay giảng dạy. Tú bộc bạch: “Cái bóng năm 12 quá lớn, mình không biết phải làm sao để vượt qua và tìm lại đam mê cháy bỏng như khi học tiếng Anh ở THPT”. Dù vậy, khi vượt qua được những khó khăn ban đầu, Thanh Tú nhận ra rằng, việc chọn Ngôn ngữ Anh lại là quyết định đúng đắn. Chính nơi đây đã mở ra cho cô nhiều cơ hội, không chỉ gói gọn trong ngôn ngữ mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác.
Việc rẽ hướng sang lĩnh vực ngoại giao đã mang đến cho Thanh Tú một số thách thức nhất định. Ngoại giao là lĩnh vực đòi hỏi không chỉ kiến thức sâu rộng về chính trị, văn hóa mà còn kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết phục, đối mặt với các tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó, đối với Thanh Tú, tiếng Anh là một công cụ nhưng chưa hẳn là ưu thế, cô chia sẻ: “Mình có theo dõi khá nhiều KOLs, bạn trẻ nổi tiếng trong lĩnh vực ngoại giao và mình thấy họ thường thông thạo hai ngôn ngữ trở lên, còn mình chỉ mới có một ngôn ngữ là tiếng Anh thôi. Vì vậy, mình cũng tự phải trau dồi thêm một vài ngoại ngữ khác để bản thân tự tin hơn trong hành trình này”.
Đối với Thanh Tú, nỗi sợ là không tránh khỏi, nhưng thay vì tránh né, cô quyết định đối diện với những nỗi sợ đó, "phá kén" và bước ra khỏi vùng an toàn. Đối với cô, mỗi lần đối mặt với sự sợ hãi ấy là một lần bản thân thêm trưởng thành.