Hành trình lập nghiệp của những thanh niên 'nông dân thế hệ mới'

Họ là những thanh niên 'nông dân thế hệ mới' dám nghĩ, dám làm và mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Họ không chỉ thay đổi cách thức sản xuất truyền thống mà còn mang đến những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững trên quê hương mình.

Tối 29/11, trong khuôn khổ Liên hoan thanh niên nông thôn toàn quốc và Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX, năm 2024 của Trung ương Đoàn, những nhà nông trẻ xuất sắc đã có cơ hội chia sẻ về hành trình lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Khát khao làm giàu từ "tay không"

Là người con đến từ mảnh đất Thái Bình, anh Nguyễn Văn Luân - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Duy Nguyên, gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay đã có những chia sẻ xúc động. Sau nhiều năm bôn ba, anh Luân quyết định trở về làm giàu trên quê hương với mô hình liên kết sản xuất và chế biến lúa gạo. Hiện, mô hình của anh đã mang lại doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 25 thanh niên.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, chứng kiến cảnh lao động vất vả, thu nhập thấp. Tôi tự hỏi làm sao thay đổi thói quen lao động cũ và giúp người dân tăng thu nhập. Lúc đó, tôi chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để có thể biết mình cần phải làm gì. Và tôi quyết định đi làm thuê để học hỏi và phát triển kỹ năng. Khi đó, tôi được truyền cảm hứng từ người lãnh đạo của tôi, điều hành hàng nghìn công nhân với quy trình vận hành chuyên nghiệp, điều đó làm tôi dấy lên một khát khao khởi nghiệp và về quê lập nghiệp”, anh Luân chia sẻ.

 Anh Nguyễn Văn Luân - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Duy Nguyên, gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay.

Anh Nguyễn Văn Luân - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Duy Nguyên, gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay.

Theo anh Luân, khi trở về quê khởi nghiệp, anh không có gì trong tay: không vốn, không cơ sở vật chất, không nhân viên. Nông dân lại gặp khó khăn với đầu ra sản phẩm và thiên tai, biến động giá cả.

“Những khó khăn này chính là động lực để tôi tìm ra giải pháp bền vững. Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu lúa tươi được hình thành. Nó không chỉ giúp giải quyết đầu ra cho nông dân, mà còn tạo ra chuỗi giá trị bền vững, giúp họ yên tâm sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm”, anh Luân nói.

Theo anh Luân, khó khăn không phải là điều khiến cho doanh nghiệp dừng lại, mà là cơ hội để thử nghiệm và cải tiến mô hình. Vì vậy, sau 13 năm kinh doanh, chàng trai trẻ luôn xem việc giúp đỡ nông dân là trách nhiệm của mình, không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển về mặt kinh tế mà còn tạo ra cộng đồng nông dân gắn kết và hỗ trợ nhau.

"Khởi nghiệp không phải là một chặng đường, mà là một hành trình. Hãy kiên nhẫn, nỗ lực và học hỏi từ thất bại, thành công sẽ đến với những ai không bao giờ từ bỏ", anh Luân bày tỏ.

Cô giáo dạy nhạc tỏa sáng từ nghề đan cói

Từ một cô giáo dạy Nhạc trở thành nhà kinh doanh cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thống, chị Trần Thùy Nhi - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vina Handicrafts đã có một hành trình đầy táo bạo với nội lực vượt qua khó khăn.

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống Kim Sơn (Ninh Bình), được tiếp xúc với nghề đan cói từ nhỏ, chị Nhi luôn mang trong mình niềm trăn trở về việc phát huy và bảo tồn làng nghề truyền thống.

“Xuất phát từ tình yêu quê hương, muốn làm giàu cho quê hương, tôi nhìn thấy tiềm năng của những sản phẩm truyền thống không chỉ ở việc làm đẹp thêm đời sống, thân thiện với môi trường mà còn là cách kết nối con người với văn hóa và cội nguồn. Điều đó thôi thúc tôi bắt đầu tìm hiểu và dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh. Với vai trò là người đứng đầu, tôi luôn coi đây là một cơ hội không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, tạo được nhiều công ăn việc làm cho bà con tại địa phương và các vùng lân cận, mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của quê hương”, chị Nhi nói.

Chị Trần Thùy Nhi - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vina Handicrafts đã chia sẻ về một hành trình đầy táo bạo với nội lực mạnh mẽ vượt qua khó khăn.

Chị Trần Thùy Nhi - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vina Handicrafts đã chia sẻ về một hành trình đầy táo bạo với nội lực mạnh mẽ vượt qua khó khăn.

Là một trong những gương mặt nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay, chị Nhi muốn gửi thông điệp tới những người trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp.

“Chúng ta vẫn luôn có rất nhiều thử thách phải đối mặt, nhiều khó khăn cần vượt qua nhưng chính những thử thách, khó khăn ấy sẽ đem đến cho chúng ta nhiều hơn những trải nghiệm, rèn giũa để chúng ta ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn. Vì vậy hãy kiên trì, không ngừng học hỏi và tin vào khả năng của chính mình. Mỗi bước tiến mà chúng ta đạt được ngày hôm nay dù nhỏ cũng đều góp phần xây dựng nền tảng, tạo dựng nên những thành công trong tương lai”, chị Nhi nói.

 Anh Nguyễn Văn Luân và chị Trần Thùy Nhi là hai gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024 chia sẻ tại chương trình.

Anh Nguyễn Văn Luân và chị Trần Thùy Nhi là hai gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024 chia sẻ tại chương trình.

Trong suốt hành trình phát triển, Giải thưởng Lương Định Của đã trở thành biểu tượng của khát vọng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Mỗi câu chuyện, mỗi tấm gương được tôn vinh tại giải thưởng đều mang đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ, minh chứng cho sự bền bỉ và tài năng, góp phần làm đẹp thêm bức tranh nông thôn Việt Nam hiện đại, năng động và phát triển.

Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hanh-trinh-lap-nghiep-cua-nhung-thanh-nien-nong-dan-the-he-moi-post1696105.tpo
Zalo