Hành trình hồi sinh nghề dệt thủ công bằng du lịch di sản ở Luang Prabang
Từ ký ức bên khung cửi tuổi thơ, Veomanee Douangdala đã dệt nên hành trình mang văn hóa truyền thống của Lào từ Luang Prabang vươn ra thế giới - nơi di sản không chỉ được gìn giữ, mà còn sống cùng hiện tại và kết nối với tương lai.
Du lịch - cầu nối giữa nghề truyền thống và tương lai
“Tôi bán được tấm khăn đầu tiên khi mới 8 tuổi. Lúc đó chỉ là ở chợ quê, chỉ được 20 kip, nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác ấy: vừa run, vừa tự hào”, chị Veomanee Douangdala chia sẻ.
Chính niềm tự hào đó đã mở ra hành trình gắn bó với nghề, từ một cô bé trong gia đình thợ dệt ở Luang Prabang đến người đồng sáng lập trung tâm Ock Pop Tok - nơi văn hóa Lào được gìn giữ và lan tỏa bằng cả bàn tay và trái tim của cộng đồng.
Câu chuyện ấy đã được chị chia sẻ tại Diễn đàn Du lịch Mekong 2025, sự kiện vừa diễn ra cách đây ít ngày, như một minh chứng sống động cho cách du lịch có thể tiếp sức cho những giá trị đang dần mai một.

Chị Veomanee Douangdala (phải).
Ock Pop Tok - trung tâm mà chị Veomanee đồng sáng lập - không chỉ là nơi dệt vải, mà là nơi những hoa văn cổ được kể lại bằng ngôn ngữ đương đại. Nằm bên bờ sông Mekong, trong khuôn viên làng nghề mở, nơi đây hội tụ nghệ nhân từ nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác nhau trên khắp nước Lào. Mỗi người mang theo kỹ thuật dệt, họa tiết, màu sắc và câu chuyện của riêng mình.
Tại đây, du khách không chỉ mua sản phẩm thủ công, mà được sống cùng không gian nghề truyền thống: tự tay chạm vào sợi tơ, thử quay tơ bằng guồng quay, lắng nghe nghệ nhân kể về nguồn gốc của một hoa văn, hay cách tạo ra màu chàm từ lá cây sau nhiều ngày ngâm ủ.
Ock Pop Tok thiết kế nhiều chương trình trải nghiệm có chiều sâu cho những người muốn tìm hiểu nghề thủ công này. Họ có thể thử nhuộm vải bằng vỏ củ nâu, lá bàng, quả dành dành...; học cách thắt chỉ, lên khung, dệt từng đường vải và mang về một món quà lưu niệm độc nhất, do chính tay mình tạo nên từ trải nghiệm khám phá văn hóa địa phương.
“Chúng tôi muốn du khách mang về không chỉ một món quà, mà là một một kỷ niệm gắn với văn hóa Lào”, chị Veomanee nói. Ở đây, di sản không nằm sau lớp kính, cũng không dừng lại ở những hoạt động mô phỏng - mà hiện hữu trong nụ cười của nghệ nhân, mùi lá nhuộm ngai ngái, sự kiên nhẫn trong từng thao tác, và ánh mắt trầm trồ của những ai lần đầu ngồi bên khung cửi.

Du khách nước ngoài trải nghiệm dệt vải ở Ock Pop Tok.
Ngoài các chương trình trải nghiệm, Ock Pop Tok còn có một không gian giới thiệu sản phẩm thủ công đương đại, một quán café sử dụng nguyên liệu địa phương, và cả các tour tham quan hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng. Trung tâm cũng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ thuật dệt, vai trò của phụ nữ trong làng nghề, hay sự biến đổi của nghề thủ công trong thời đại số.
Điểm đặc biệt của mô hình này không nằm ở việc giới thiệu văn hóa đơn thuần, mà ở cách du khách được bước vào, tương tác và cảm nhận - không chỉ bằng mắt, mà bằng tay, bằng mũi, bằng cả trải nghiệm. Nhờ vậy, sợi chỉ không chỉ nối các tấm vải - mà còn kết nối người thợ thủ công với người thưởng thức, truyền thống với hôm nay và di sản với tương lai.
Khi thế hệ trẻ kể lại di sản bằng ngôn ngữ của mình
Với Veomanee, du lịch không chỉ là ngành kinh tế, mà còn là cơ hội giữ lại những điều tưởng như đang dần mai một. Chị chia sẻ: “Trước đây, không phải người nào cũng mặn mà với nghề dệt. Nhưng giờ đây, thế hệ trẻ đang dần thấy tự hào với nghề khi thấy mẹ mình, bà mình xuất hiện trên truyền hình, khi sản phẩm thủ công của họ được trưng bày ở các hội chợ nổi tiếng thế giới, và khi khách quốc tế trân trọng từng tấm vải như một tác phẩm nghệ thuật”.

Du lịch không chỉ là ngành kinh tế, mà còn là cơ hội để giữ gìn nghề dệt truyền thống đang mai một.
Ock Pop Tok tạo điều kiện để các nghệ nhân trẻ học hỏi, giao lưu và đại diện cho cộng đồng tại các hội chợ, sự kiện văn hóa trong khu vực. Cá nhân chị Veomanee từng mang hàng dệt thủ công đến Hội chợ Nghệ thuật Dân gian Quốc tế Santa Fe (Mỹ) - không phải để quảng bá thương hiệu, mà để kể câu chuyện về những người phụ nữ Lào đang giữ nghề bằng cả trái tim.
“Chúng tôi muốn họ không chỉ là người làm ra sản phẩm, mà là những người giữ và kể lại câu chuyện văn hóa của cộng đồng mình”, chị nói.
Không ít bạn trẻ Lào hôm nay đã bắt đầu thiết kế trang phục, phụ kiện, đồ thủ công ứng dụng từ các hoa văn cổ. Theo chị Veomanee, điều quan trọng là giúp họ giữ được tinh thần truyền thống, nhưng linh hoạt sáng tạo hình thức, để mỗi sản phẩm vừa mang bản sắc, vừa gần gũi với đời sống hiện đại.
Di sản - với Veomanee - không phải chỉ để ngắm nhìn, mà là điều phải được sống cùng. Giữa một Luang Prabang đang thay đổi từng ngày, với phố cổ ngày càng đông đúc, biển hiệu rối rắm, hàng quán ồn ào... chị vẫn tin rằng: khi du lịch được xây dựng bằng sự lắng nghe và tôn trọng, với cộng đồng là trung tâm, thì chính nó có thể trở thành người bạn đồng hành bền vững nhất của di sản văn hóa.