Hành trình đưa Phở Hà Nội ra thế giới
Phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà giờ đây đã gần như trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vươn tầm ẩm thực thế giới.
Nguồn gốc của Phở Hà Nội
Theo nhiều sử liệu ghi chép lại món “Phở” tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Thuở ban đầu phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội vào những năm 1907-1910. Về nguồn gốc ra đời của món Phở đến nay còn nhiều quan điểm điểm khác nhau với 3 giả thuyết phổ biến: Phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp; Phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn của người Hoa và phở có nguồn gốc từ món bún xáo trâu của người Việt.
Qua nghiên cứu các tài liệu và khảo sát thực tế một số cửa hàng phở lâu năm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, quá trình hình thành món phở cũng như nghề nấu phở tại Hà Nội là sự sáng tạo của nhiều người, của cộng đồng gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa đầu thế kỷ XX tại Hà Nội. Bên cạnh đó, quá trình hình thành phở gắn với môi trường đô thị, nhu cầu ăn uống, thói quen sinh hoạt của người thành thị.
Những quán phở nổi tiếng tại Hà Nội
Năm 2023, Sở VH&TT Hà Nội đã tiến hành khảo sát 18/30 quận huyện và thống kê được 700 quán phở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình (21 cửa hàng phở), Hoàn Kiếm (32 cửa hàng phở), Cầu Giấy (29 cửa hàng phở), Đống Đa (9 cửa hàng phở), Hai Bà Trưng (30 cửa hàng phở), Thanh Xuân (56 cửa hàng phở), Long Biên (93 cửa hàng phở). Những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng.
Không gian văn hóa ban đầu của di sản là những gánh phở đi bán rong ở quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Để có thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ ngày nay thì vào những năm 50 của thế kỷ XX, ông Bùi Chí Thìn khởi nghiệp với phở gánh đi bán rong quanh khu vực Bờ Hồ, vườn hoa Con Cóc, sau đó bán cố định tại 61 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phở ông Đào tại 33 Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trước đây do ông Vũ Văn Tâm khởi nghiệp bán phở gánh ở khu vực Phố Nguyễn Thiện Thuật và Trần Nhật Duật vào những năm 50 của thế kỷ XX. Ông Cù Như Thấn bán những gánh phở rong đầu tiên sau đó truyền nghề lại cho 5 người con, một trong số những người con ấy rất thành công tạo nên thương hiệu Phở Chiêu nối tiểng ở phố Hàng Đồng, Phở 49A Bát Đàn (con gái là Cù Thị Thanh Xuân) quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau những người bán phở gánh dần chuyển sang bán những địa điểm cố định là tại gia đình hoặc thuê cửa hàng đồng thời sử dụng một phần vỉa hè để kê bàn cho khách ngồi ăn.
Với người Hà Nội phở thường được gọi là “quà sáng” nên ăn phở phổ biến nhất là vào bữa sáng. Theo đó các cửa hàng phở bán thời gian nửa buổi sáng (đến khoảng 10h) kê bàn ăn ở khu vực vỉa hè. Bên cạnh đó, để phục vụ một bộ phận người dân làm ca đêm thì cũng xuất hiện những cửa hàng chỉ bán từ lúc chiều muộn đến đêm khuya như Phở Thật (số 48 Trần Nhật Duật), Phở gánh ở ngã tư Hàng Đường - Hàng Chiếu; Phở gà Nguyệt 5B Phủ Doãn.
Đưa Phở Hà Nội ra thế giới
Năm 2023, trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam, khi đến Hà Nội, nhóm nhạc BlackPink đã có trải nghiệm ấn tượng cùng phở. Thành viên Rosé của nhóm nhạc rất thích món phở và miêu tả động tác "húp đến giọt nước cuối cùng" khi thưởng thức món ăn nổi tiếng này.
Phở trở thành món ẩm thực nhất định phải thưởng thức khi đến Hà Nội của nhiều du khách, thưởng thức phở mang đến những trải nghiệm vị giác khác lạ, góp phần giúp du khách cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô và tăng cường ấn tượng cho du khách khi đến với Hà Nội.
Phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà giờ đây đã gần như trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, vươn tầm ẩm thực thế giới. Phở Hà Nội đã góp phần làm phong phú thêm phở của người Việt Nam nói chung, phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng trên thế giới và hiện diện ở trên 50 quốc gia trên thế giời.
Theo bình chọn từ trang Lonely, Việt Nam là một trong những quốc gia có 7 món ăn được phục vụ trong bát mang tới trải nghiệm tốt nhất trên thế giới. Danh sách này được đề ra dựa trên tiêu chí món ăn phải vừa ngon miệng, lại vừa tạo cảm giác thoải mái khi phục vụ lẫn thưởng thức. Thậm chí, trang này còn ghi rằng nếu đã đến Việt Nam, các thực khách nhất định phải thử phở, nếu không sẽ là một thiếu sót rất lớn.
Phở Việt Nam còn được Tạp chí nổi tiếng Business Insider bình chọn là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời đối với những người thích đi lịch trên thế giới. Tờ báo Thetravel chuyên trang du lịch đã công bố danh sách 10 quốc gia có thức ăn ngon nhất thế giới, trong đó có món phở của Việt Nam.
Phở trở thành món ẩm thực nhất định phải thưởng thức khi đến Hà Nội, thưởng thức phở mang đến những trải nghiệm vị giác khác lạ, góp phần giúp du khách cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô và tăng cường ấn tượng cho du khách khi đến với Hà Nội.
Di sản văn hóa phi vật thể “Phở Hà Nội” sẽ được quảng bá, giới thiệu tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024, diễn ra từ ngày 29/11 - 1/12 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
Trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 sẽ triển khai hoạt động: Công bố quyết định “Phở Hà Nội” đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Xây dựng chuyên mục Ẩm thực Hà Nội trên báo Kinh tế Đô thị, tổ chức triển lãm và nhiều hoạt động bên lề khác; Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội”.
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội; do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức với sự đồng hành của đại sứ quán các nước tại Việt Nam, cơ quan ngoại giao các nước có trụ sở tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Hội đầu bếp Việt Nam và các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan.
Lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực tinh túy, đặc sắc, chất lượng.