Hành trình đi tìm tên cho liệt sĩ: một giọt máu, vạn niềm tin
Giữa tiết trời tháng 7 nắng gắt như đổ lửa, từng cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn lặng lẽ rong ruổi khắp làng quê, thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ với mong muốn góp phần xác định danh tính, trả lại tên cho những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Dù thời tiết nắng nóng, các cán bộ công an vẫn miệt mài lấy mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: CATH
Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã yên bình hàng chục năm, nhưng nỗi đau, sự mất mát vẫn còn in hằn trong trái tim biết bao gia đình Việt. Đâu đó vẫn có những người mẹ, người vợ, người con, người cháu ngày ngày ngóng đợi tin tức từ chiến trường xưa. Chỉ cần một manh mối, một nắm đất xác thực là phần mộ liệt sĩ, là họ lại có thêm một niềm hy vọng để khép lại hành trình đi tìm người thân kéo dài hàng thập kỷ.
Trong chuỗi hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các Anh hùng liệt sĩ nhân dịp 27/7 năm nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai chiến dịch thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ với quy mô lớn. Dưới cái nắng gắt của miền Trung, các cán bộ công an đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động, đưa đón, hỗ trợ các gia đình có người thân là liệt sĩ tham gia lấy mẫu.
Có mặt tại điểm thu nhận mẫu ADN tại UBND xã Định Hòa lúc 14 giờ ngày 9/7, dễ bắt gặp hình ảnh các cán bộ công an áo đẫm mồ hôi, tay lái xe máy, tay dìu đỡ, thậm chí cõng những cụ già đến nơi lấy mẫu. Dù vất vả nhưng tất cả đều tận tâm, tận lực vì một mục tiêu cao cả: đưa những người con hy sinh thầm lặng trở về đúng với tên tuổi, quê hương.
Cụ Đỗ Ngọc Ngoạn, 90 tuổi, ở thôn Cẩm Chướng, xã Định Hòa xúc động chia sẻ: “Gần 60 năm qua, gia đình tôi đi khắp nơi để tìm hài cốt chú út hy sinh năm 1966 tại chiến trường miền Nam nhưng vô vọng. Hôm nay được các cán bộ công an đến tận nhà đưa đi lấy mẫu, tôi lại thắp lên niềm hy vọng. Dù có tìm thấy hay không, tôi cũng cảm thấy ấm lòng vì em mình không bị lãng quên.”

Niềm hy vọng ánh lên trong nụ cười cụ bà khi tham gia lấy mẫu ADN truy tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: CATH
Với vai trò nòng cốt trong chiến dịch, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng Công ty cổ phần GeneStory thành lập nhiều tổ công tác, chia nhau về từng địa bàn, thu nhận mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ thuộc họ ngoại - nhóm có liên kết huyết thống rõ nét để phục vụ đối chiếu ADN. Mỗi giọt máu, mỗi sợi tóc thu được không đơn thuần là vật phẩm sinh học, mà là những mảnh ghép lịch sử, mang theo cả niềm hy vọng và khát khao đoàn tụ.
Trung tá Lê Thị Tuyết, Phó đội trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chiến dịch thu nhận mẫu ADN đợt 2 đặt mục tiêu lấy 35.626 mẫu. Tính đến ngày 10/7, chúng tôi đã thu được 12.858 mẫu, phần còn lại sẽ được hoàn thành trước 27/7 bằng cách làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Chúng tôi xác định không để sót một mẫu nào, không nhầm một thân nhân nào; hành động khẩn trương nhưng tuyệt đối chính xác, tôn trọng thân nhân và danh dự của liệt sĩ.”
Tại xã Định Hòa, nơi có hàng trăm thân nhân liệt sĩ đã cao tuổi, sức khỏe yếu, Công an xã đã tổ chức rà soát kỹ lưỡng, trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Công an xã chia sẻ: “324 mẫu ADN trên địa bàn đã được thu nhận, xác thực thành công. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà là trách nhiệm, là bổn phận thiêng liêng đối với những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.”
Chiến dịch không chỉ là nỗ lực của lực lượng ông an mà còn có sự chung tay của các hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cán bộ các xã phường. Từng người lặng thầm vượt nắng nóng, vượt đường sá xa xôi để đến với những gia đình ở vùng quê hẻo lánh, lắng nghe câu chuyện, ghi lại ký ức, kết nối thông tin và thu nhận mẫu ADN quý giá.
Đằng sau từng con số là những hành trình lặng lẽ và đầy cảm xúc. Có những cụ già cắn răng để lấy mẫu máu, có những người cháu dù chưa một lần gặp mặt liệt sĩ vẫn sẵn lòng tham gia, chỉ mong phần mộ vô danh ngày nào có thể có tên tuổi, có quê quán, có người thân đến thắp nén nhang.
Việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng kỹ thuật giám định ADN không chỉ mang giá trị khoa học mà còn thể hiện nghĩa tình sâu sắc, là hành động nhân văn mang đậm tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Đó là hành trình khép lại nỗi đau, nối kết quá khứ và hiện tại bằng tình thân và trách nhiệm công dân.
Hàng chục nghìn liệt sĩ vẫn chưa xác định được danh tính, vẫn nằm lại chiến trường xưa trong những phần mộ vô danh. Nhưng nhờ có sự tận tụy, trách nhiệm và trái tim ấm nóng của những người hôm nay, từ các chiến sĩ công an, nhân viên giám định đến từng người dân đồng hành, hành trình tìm lại tên cho các anh hùng liệt sĩ sẽ tiếp tục được nối dài, cho đến khi không ai bị bỏ quên, không ai bị để lại phía sau.