Hành trình chạm tới đam mê điêu khắc của chàng trai đất Cảng

Trong khi nhiều người trẻ vẫn còn hoang mang trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề thì Nguyễn Việt Anh (sinh năm 2004) sinh viên năm ba ngành Điêu khắc ứng dụng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lại khiến người ta ấn tượng bởi sự dũng cảm bước đi trên một con đường ít người dám chọn: sống với đam mê nghệ thuật, dù biết trước sẽ phải đối mặt với vô vàn thử thách.

Mình lớn lên trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật, nơi những ước mơ sáng tạo bị coi là xa xỉ và bấp bênh. Từ nhỏ, mình đã yêu vẽ đến lạ lùng, nhưng suốt một thời gian dài, mình vẫn được định hướng đi theo con đường Luật, một lựa chọn an toàn, hợp lý, và ít rủi ro hơn. Thế nhưng, sâu thẳm trong lòng, mình luôn cảm thấy đó không phải là cuộc đời mình khao khát. Quyết định rẽ hướng để theo đuổi hội họa, bắt đầu hành trình ôn thi Đại học Kiến trúc, là lần đầu tiên mình dám bước ra khỏi quỹ đạo sẵn có để thử lắng nghe tiếng gọi của đam mê. Hai năm ôn thi, hai năm lặng lẽ chìm trong những giờ học vẽ miệt mài, là chuỗi ngày đầy giằng xé và hoài nghi. Có những khoảnh khắc, mình thấy mình quá kém cỏi, thấy khoảng cách với những người giỏi hơn cứ dài ra vô tận. Đã không ít lần mình tự hỏi liệu mình có đang mù quáng theo đuổi một giấc mơ viển vông. Nhưng rồi, khát vọng được sống đúng với bản chất của mình, được chạm tay vào điều mình thật sự yêu, vẫn là sợi dây âm thầm níu mình lại, để kiên trì thêm một ngày, thêm một tuần, thêm một năm.

 Nguyễn Việt Anh (sinh năm 2004) sinh viên năm ba ngành Điêu khắc ứng dụng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Nguyễn Việt Anh (sinh năm 2004) sinh viên năm ba ngành Điêu khắc ứng dụng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Vượt qua biết bao hoài nghi, mệt mỏi và nỗi sợ thất bại luôn chực chờ bủa vây, cuối cùng mình đã chứng minh với chính bản thân rằng những nỗ lực không hề vô nghĩa. Khoảnh khắc được xướng tên là Á khoa đầu vào ngành Điêu khắc ứng dụng năm 2022, mình đã hiểu rằng đó không chỉ là kết quả của một chút năng khiếu, mà là trái ngọt của những ngày tháng kiên trì đến cùng. Thành tích ấy như một minh chứng rằng nếu đủ dũng cảm để tin và đủ bền bỉ để bước tiếp, dù con đường có gập ghềnh đến đâu, mình vẫn có thể chạm tay vào giấc mơ mà trước đây từng nghĩ là quá xa vời.

Bước vào môi trường đại học, mình lại tiếp tục đối diện với những thử thách mới. Điêu khắc là một ngành kén người học, ít được truyền thông rộng rãi, và đôi khi chưa được xã hội đánh giá đúng tầm. Điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên theo ngành phải tự tạo ra động lực, cộng đồng, và cơ hội để phát triển bản thân. Nhưng cũng chính trong khó khăn ấy đã giúp mình tìm thấy được một mái nhà mới, nơi có những người thầy tâm huyết, những người bạn đồng môn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau như gia đình. Tình cảm gắn bó và sự đoàn kết của khoa Thiết kế Mỹ thuật đã trở thành điểm tựa quan trọng để mình có thêm động lực gắn bó với ngành.

 Đồ án chuyên ngành “Bay trong nhau” do Việt Anh thiết kế.

Đồ án chuyên ngành “Bay trong nhau” do Việt Anh thiết kế.

Không chỉ miệt mài học tập, mình còn tích cực tham gia và tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật. Mình vinh dự là thành viên Ban Chấp hành liên chi khoa Thiết kế Mỹ thuật nhiệm kỳ 2025–2027, là Founder kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ Điêu khắc trẻ của trường. Ngoài ra, minh đã có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm danh giá như triển lãm Mỹ thuật chuyên ngành Đồ họa – Điêu khắc – Mỹ thuật ứng dụng khu vực I tại Hà Nội, triển lãm “Kể – Thiết kế trẻ trong lòng di sản” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2025, triển lãm “Hiện” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tại Bắc Bộ Phủ 2024 và nhiều sự kiện showcase nghệ thuật khác.

 Tác phẩm “Tương sinh” được trưng bày trong triển lãm “Kể - Thiết kế trẻ trong lòng di sản” tại Quốc Tử Giám và triển lãm Mỹ thuật chuyên ngành Đồ họa – Điêu khắc – Mỹ thuật ứng dụng khu vực I tại Hà Nội

Tác phẩm “Tương sinh” được trưng bày trong triển lãm “Kể - Thiết kế trẻ trong lòng di sản” tại Quốc Tử Giám và triển lãm Mỹ thuật chuyên ngành Đồ họa – Điêu khắc – Mỹ thuật ứng dụng khu vực I tại Hà Nội

 Việt Anh (ngoài cùng hàng đầu từ trái sang) cùng các thành viên trong ban tổ chức triển lãm “Kể – Thiết kế trẻ trong lòng di sản” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2025.

Việt Anh (ngoài cùng hàng đầu từ trái sang) cùng các thành viên trong ban tổ chức triển lãm “Kể – Thiết kế trẻ trong lòng di sản” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2025.

 Việt Anh chủ trì cuộc họp tổng kết trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tại Bắc Bộ Phủ 2024.

Việt Anh chủ trì cuộc họp tổng kết trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tại Bắc Bộ Phủ 2024.

Những hoạt động ấy không chỉ là nơi để mình thể hiện năng lực và đam mê, mà còn là hành trình rèn giũa từng kỹ năng quan trọng mà sách vở không dạy. Mỗi lần tham gia tổ chức triển lãm hay sự kiện, mình đều học thêm cách vận hành công việc, mở rộng các mối quan hệ và trau dồi sự tự tin khi giao tiếp, lãnh đạo. Dù vậy, mình cũng nhận ra mọi thứ chưa bao giờ dễ dàng. Quản lý thời gian và nhân sự luôn là hai thử thách lớn nhất, đòi hỏi mình phải liên tục điều chỉnh bản thân để không bị cuốn vào vòng xoáy áp lực. Làm việc với các đơn vị tài trợ, đối tác lại càng khiến mình hiểu rằng sự thuyết phục, nhạy bén và tinh tế quan trọng đến mức nào – những kỹ năng mà một sinh viên trẻ như mình phải tự mày mò, học hỏi từng chút một qua trải nghiệm thực tế. Nhưng chính những lần va vấp đó đã dạy mình nhiều hơn bất cứ bài học lý thuyết nào, để rồi sau mỗi hành trình, mình thấy mình trưởng thành lên, vững vàng hơn và biết trân trọng giá trị của sự kiên trì.

 Mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời đều trải qua nhiều công đoạn mài giũa, lắp ghép tỉ mỉ, chỉn chu

Mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời đều trải qua nhiều công đoạn mài giũa, lắp ghép tỉ mỉ, chỉn chu

Ba năm không phải là một quãng đường quá dài, nhưng cũng đủ để mình nhìn lại và nhận ra mình đã đi xa đến đâu từ những ngày đầu còn hoang mang, đầy nghi ngờ về chính lựa chọn của bản thân. Mình không dám nhận là người giỏi nhất, nhưng mình tin rằng điều khiến mình khác biệt chính là sự dám tin vào đam mê và không từ bỏ nó, dù đã có lúc tưởng chừng phải quay đầu. Hành trình ấy dạy mình rằng: nếu đủ chân thành với điều mình yêu, đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng, thì đam mê sẽ tự tìm thấy lối để nở hoa – ngay cả trên mảnh đất khô cằn nhất. Và nếu những trải nghiệm của mình có thể tiếp thêm động lực cho ai đó đang loay hoay giữa ngã rẽ của cuộc đời, thì có lẽ, hành trình này lại càng thêm phần ý nghĩa.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-cham-toi-dam-me-dieu-khac-cua-chang-trai-dat-cang-post1761516.tpo
Zalo