Hàng trăm khu đất, dự án ở TP.HCM chờ tháo gỡ

HoREA đánh giá thị trường bất động sản TP.HCM đang phục hồi nhưng mất cân đối nguồn cung. Theo đó, hiệp hội kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 HoREA kiến nghị loạt giải pháp gỡ vướng cho bất động sản TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

HoREA kiến nghị loạt giải pháp gỡ vướng cho bất động sản TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thường trực UBND TP.HCM về tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM trước sáp nhập và kiến nghị một số nội dung liên quan.

Theo hiệp hội, thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm ghi nhận đà phục hồi rõ nét, tăng trưởng dương 9,1% so với cuối 2024. Tuy nhiên, nguồn cung tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng khi tất cả sản phẩm mở bán là nhà ở cao cấp, không có căn trung cấp hay giá rẻ.

Nhà ở xã hội triển khai cũng rất thấp, mới đạt 11,7% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Từ nhận định trên, hiệp hội đề nghị UBND TP xem xét một số giải pháp thuộc thẩm quyền của UBND TP để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản nhằm thực hiện mục tiêu phát triển 100.000 căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cụ thể, HoREA kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khẩn trương rà soát, trình Thường trực UBND TP, HĐND TP xem xét thông qua danh mục 371 khu đất trên địa bàn TP.HCM (trước khi hợp nhất) đăng ký thực hiện "dự án thí điểm" theo Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội.

Các khu đất này có tổng diện tích hơn 2.000 ha, bao gồm 121 dự án đang có quyền sử dụng đất; 73 dự án đang có quyền sử dụng đất và dự kiến nhận quyền sử dụng đất; 159 dự án dự kiến nhận quyền sử dụng đất; 14 dự án diện di dời; 4 dự án diện ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch.

Bên cạnh đó, hiệp hội kiến nghị thông qua danh mục 245 khu đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương (trước khi hợp nhất) đăng ký thực hiện "dự án thí điểm" với tổng diện tích 1.592 ha mới đạt gần 50% tổng diện tích đất ở giai đoạn 2021-2030, để tăng nguồn cung dự án nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và kéo giảm giá nhà.

HoREA đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khẩn trương rà soát khoảng 220 dự án vướng mắc pháp lý trên địa bàn TP.HCM (trước khi hợp nhất) theo kết luận tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình với UBND TP vào tháng 11/2024.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất hướng xử lý, giải quyết đối với 68 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM (trước khi hợp nhất) đã bị dừng triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện.

Hiệp hội cũng đề nghị TP chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương rà soát để tháo gỡ vướng mắc cho 4 dự án bất động sản, nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM (trước khi hợp nhất) theo Nghị quyết 170/2024/QH15.

Ngoài ra, HoREA kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khẩn trương xác định "nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có)" cho một số dự án nhà ở thương mại, để chủ đầu tư có thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính.

Thực tế, theo hiệp hội, chỉ vì cụm từ "nếu có" chưa được làm rõ mà nhiều dự án bị kéo dài, khiến khách hàng chưa được cấp sổ hồng, chủ đầu tư không thu được phần 5% giá trị hợp đồng còn lại, phải gánh thêm chi phí quản lý và ảnh hưởng đến uy tín.

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép áp dụng "phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất" để tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại như UBND TP đã có Văn bản 477/UBND-ĐT ngày 17/2/2022 đề xuất với Chính phủ...

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/hang-tram-khu-dat-du-an-o-tphcm-cho-thao-go-post1568603.html
Zalo