Hàng Tết dồi dào, giá cả ổn định
Dự báo sức mua dịp cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp tăng cường sản xuất, cùng với đó doanh nghiệp bán lẻ cũng đã lên tinh thần bán hàng tết. Tuy nhiên giá cả hàng hóa như thế nào mới là điều người tiêu dùng quan tâm nhất.
Đẩy mạnh kích cầu
Bên cạnh việc kiểm tra và kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ Tết, đại diện sở Công thương TPHCM còn phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng và hệ thống phân phối trên địa bàn để đàm phán các chính sách chiết khấu ưu đãi, giúp giảm áp lực tăng giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu trong tháng cao điểm Tết.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thương - Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long cho hay: “Chúng tôi đã lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo bình ổn giá dù giá nhập hàng và chi phí vận hành khác tăng”. Còn ông Regis Delesque - Giám đốc vận hành MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam vẫn theo đuổi việc ổn định giá cho các mặt hàng xuyên suốt mùa Tết 2025. Đặc biệt, trong thời điểm về hàng tết, siêu thị sẽ có những chương trình giảm giá kích cầu với phương châm “Nói nhỏ - Khuyến mãi to”.
MM Mega Market Việt Nam đang đẩy mạnh cam kết chiến lược giá với mức ưu đãi hấp dẫn nhất trong năm lên đến 12% cho những đơn hàng tết sớm và đơn đặt mua với số lượng lớn. Qua đó, sự kiện giới thiệu trọn bộ giải pháp mua sỉ số lượng lớn thực phẩm thiết yếu, tươi sống, thực phẩm khô đến phi thực phẩm (như hóa mỹ phẩm, gia dụng) từ hơn 30 nhà cung cấp với giá bình ổn nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, nhà bán lẻ này có lợi thế với mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi trải dài từ Nam ra Bắc nên sẽ tận dụng để bảo đảm nguồn hàng đầy đủ, giá cả tốt nhất. “Chúng tôi có nhiều chương trình khuyến mãi sâu, phối hợp với nhà cung cấp giảm lợi nhuận để hàng hóa không chỉ bình ổn giá mà còn rẻ hơn cả ngày thường” - ông Thắng nói.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2025 của Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường, đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đại diện Satra cho biết, đơn vị này đã làm việc với các nhà cung cấp nhiều tháng qua để đảm bảo giá và nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết 2025. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu dự trữ cho dịp Tết 2025 tăng từ 15 - 20% so với năm ngoái. Hệ thống bán lẻ này cũng cam kết đảm bảo hàng hóa phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, tăng giá đột biến, hàng kém chất lượng trong mùa cao điểm mua sắm.
Doanh nghiệp chạy đua nước rút
Thời điểm này, tại các doanh nghiệp (DN) cũng đang tăng công suất để sản xuất hàng hóa. Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), các xưởng sản xuất, khu vực chế biến của Vissan đang khẩn trương hơn. Người lao động tập trung nâng cao năng suất, bảo đảm cung ứng ra thị trường 930 tấn thực phẩm tươi sống và gần 3.700 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng chế biến trên cả nước. Với vai trò là doanh nghiệp bình ổn thị trường, Vissan dự trữ thêm từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng trường hợp khan hiếm hàng hóa đột biến của thị trường Tết.
Là DN chiếm thị phần bánh kẹo lớn, ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Bibica, cho biết tổng sản lượng bánh kẹo Bibica đưa ra thị trường năm nay hơn 5.000 tấn các loại, riêng dòng sản phẩm quà biếu là khoảng 6 triệu hộp.
"Năm nay chúng tôi đặt kế hoạch doanh số mùa Tết cao hơn năm ngoái từ 15 - 20%. Hiện tình hình tương đối khả quan. Các điểm bán mạnh dạn nhập hàng. Thị trường tăng trưởng đều ở cả ba miền"- ông Hoàng nói và chia sẻ kế hoạch tuyển từ 300 - 400 lao động thời vụ.
Các DN đánh giá, nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang phục hồi, nhưng chưa cao. Để sức mua tăng khoảng 15-20% ngoài việc nâng chất lượng sản phẩm, bản thân các DN phải có ngân sách để làm các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu đến 30% nhằm kéo khách đến mua sắm thì mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.