Lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng: Chuyên gia dự báo gì?
Bước sang tháng 7, có ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, các chuyên gia nhận định gì về xu hướng này trong những tháng cuối năm?
Theo số liệu của NHNN, từ đầu tháng 7 đến nay, có 2 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi niêm yết là Bảo Việt tăng 0,1%/năm kỳ hạn 1-2 tháng tiết kiệm tại quầy và giảm 0,15-0,3%/năm kỳ hạn trên 6 tháng tiết kiệm tại quầy; VPBank tăng 0,1% tất cả kỳ hạn tùy sản phẩm và hình thức.
2 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi gồm: VIB giảm 0,1%/năm kỳ hạn 36 tháng tiền gửi tại quầy từ 1 tỷ đồng-dưới 5 tỷ, Bắc Á giảm 0,1% tất cả các kỳ hạn.
Cùng với đó, một số ngân hàng còn áp dụng chính sách tặng thêm lãi suất cho người gửi tiền. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến tại SeABank được nhận ưu đãi lãi suất lên tới 0,5%/năm, áp dụng với số tiền gửi từ 100 triệu đồng, các kỳ hạn 6, 12, 13 tháng.

Lãi suất huy động rục rịch tăng. (Ảnh minh họa)
ABBank áp mức 9,65%/năm cho khách hàng mở mới/tái tục các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
PVcomBank cũng áp dụng lãi đặc biệt 9%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng khi gửi tiền tại quầy. Điều kiện áp dụng là khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
ACB áp dụng mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ khi khách hàng có số dư tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.
Tại LPBank, với tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên, lãi suất huy động áp dụng cho khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ là 6,5%/năm, lĩnh lãi hàng tháng 6,3%/năm và lĩnh lãi đầu kỳ là 6,07%/năm.
Lãi suất tiền gửi cuối năm thế nào?
Nhận định về diễn biến lãi suất tiền gửi ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, tiền gửi ngân hàng có thể vẫn đạt những kỷ lục mới khi xu hướng gửi tiết kiệm của người dân là chủ đạo.
Lý giải về nhận định của mình, ông Huy phân tích thêm, với kênh bất động sản, sau khi tăng "nóng", thị trường vài tháng gần đây có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, pháp lý chưa đồng bộ cũng khiến nhiều người dè dặt.
Với kênh chứng khoán, dù thị trường có cải thiện về chỉ số song vẫn tiềm ẩn rủi ro khi bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước còn bất định. Nhà đầu tư chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn khi kinh tế vĩ mô ổn định, các xung đột thương mại quốc tế được giải quyết và những bước tiến trong việc nâng hạng thị trường.
Chưa kể kênh này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, kiến thức để hiểu biết về luật chơi. Thực tế không ít nhà đầu tư mới hoặc "non tay" sẽ dễ dàng thua lỗ.
"Với kênh vàng và ngoại tệ, giá vàng gần đây chững lại sau khi tăng cao kỷ lục. Những biến động, đảo chiều mạnh trước đó cũng khiến nhiều người lo ngại rủi ro. Hơn nữa, việc mua vàng trở nên khó khăn do khan hiếm nguồn cung. Trong khi đó, kênh ngoại tệ bị giới hạn bởi chính sách quản lý thị trường ngoại hối và rủi ro tỷ giá", ông Huy phân tích.
Do đó, ông Huy cho rằng, tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là kênh tài chính an toàn được nhiều người lựa chọn trong thời gian tới.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói, thời điểm những tháng cuối năm, lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ tăng để tiếp tục thu hút thêm nguồn vốn từ người dân.
Theo ông Hiếu, thời gian vừa qua dù lãi suất ngân hàng ở mức thấp nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng của người dân vẫn tăng kỷ lục. Do đó, thời gian tới để huy động thêm vốn, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất.
"Một trong những nguyên nhân khiến người dân vẫn đổ tiền vào gửi ngân hàng dù lãi suất thấp là so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản, tiền kỹ thuật số…thì gửi tiết kiệm vẫn luôn có ưu thế về tính an toàn, ít biến động mạnh.
Đặc biệt với những người không ưa thích "khẩu vị" rủi ro hoặc có mục đích chính là bảo quản tài sản thì ngân hàng là kênh cất giữ phù hợp nhất", ông Hiếu nói.