Hãng hàng không tìm lợi nhuận từ bán và thuê lại máy bay

Một số hãng hàng không kiếm bộn tiền bằng cách bán máy bay mới cho các công ty cho thuê với giá cao hơn nhiều so với chi phí mua ban đầu trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.

Wizz Air báo lãi khoảng 245 triệu euro trong năm tài chính gần đây nhất từ các thương vụ bán và thuê lại máy bay. Ảnh: Airline Weekly

Wizz Air báo lãi khoảng 245 triệu euro trong năm tài chính gần đây nhất từ các thương vụ bán và thuê lại máy bay. Ảnh: Airline Weekly

Các hãng bay như Frontier Airlines có trụ sở tại bang Colorado (Mỹ) và Wizz Air của Hungary báo cáo lợi nhuận hàng trăm triệu đô la Mỹ thông qua các thương vụ bán máy bay mới vừa được các nhà sản xuất bàn giao. Sau đó, họ thuê lại chúng để sử dụng. Các giao dịch bán và thuê lại này từ lâu là nghiệp vụ để các hãng hàng không trên toàn cầu tạo ra thanh khoản và giảm bớt căng thẳng cho bảng cân đối kế toán của họ.

Theo hãng tư vấn Cirium Ascend Consultancy, thị trường máy bay thắt chặt khiến những giao dịch này trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Trong năm nay, các hãng hàng không Mỹ chiếm 24% giao dịch bán và thuê lại máy bay trên toàn cầu, tăng từ 10% vào năm 2022.

Theo AeroDynamic Advisory, trong năm nay, các hãng hàng không sẽ nhận bàn giao máy bay mới với số lượng ít hơn 19% so với dự kiến do các vấn đề sản xuất tại Boeing và Airbus. Ngoài ra, khoảng 350 máy bay Airbus A320neo dự kiến sẽ bị dừng khai thác bay từ năm 2024 đến năm 2026 để khắc phục sự cố ở động cơ GTF của Pratt & Whitney.

Kết quả là giá máy bay mới cao hơn 20% so với thời kỳ trước đại dịch, John Heimlich, nhà kinh tế trưởng của Airlines for America (A4A), tổ chức đại diện cho các hãng hàng không lớn của Mỹ, cho biết.

Trong tháng này, hãng bay giá rẻ Frontier Airlines ghi nhận khoản lãi 71 triệu đô la từ các giao dịch bán lại máy bay mới được bàn giao trong quí đầu tiên. Số lãi này tăng 78% so với quí cuối năm ngoái. Rob Morris, người đứng đầu bộ phận tư vấn toàn cầu của Cirium cho biết, Frontier Airlines có thể sẽ đạt được mức tăng lãi tương tự trong các giao dịch bán và thuê lại máy bay trong quí hiện tại.

Wizz Air báo lãi khoảng 245 triệu euro trong năm tài chính gần đây nhất từ các thương vụ bán và thuê lại máy bay, tăng khoảng 146% so với năm trước đó.

Morris mô tả thị trường bán và thuê lại máy bay đang rất cạnh tranh khi quyền định giá thuộc về bên bán. Một số hãng hàng không hưởng lợi nhiều hơn nhờ sắp xếp đúng thời điểm đặt hàng. Ví dụ, Frontier đã đặt đơn đặt hàng lớn vào năm 2021 khi lạm phát tương đối thấp hơn và nhu cầu đi lại hàng không vẫn chưa phục hồi.

Các hãng hàng không khác của Mỹ như Delta, American Airlines và United Airlines cũng thực hiện các thương vụ bán và thuê lại máy bay, nhưng không thường xuyên như Frontier. Hãng hàng không giá rẻ này có hơn 200 máy bay Airbus mới được bàn giao cho đến năm 2029.

Frontier tiết lộ đang mua máy bay từ Airbus với giá “chiết khấu lớn so với thị trường”, nhưng hãng sẽ bán chúng cho các công ty cho thuê máy bay với giá cao hơn nhiều.

Kỹ thuật tài chính đó chỉ giúp Frontier gần hòa vốn trong quí 1. Điều này khiến một số nhà phân tích lo ngại khi cho rằng hoạt động kinh doanh của Frontier dường như trở nên phụ thuộc vào các thỏa thuận bán máy bay mới hơn là hành khách đi máy bay.

“Chúng tôi vẫn lo ngại lợi nhuận bán và thuê lại máy bay ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi đối với lợi nhuận của Frontier”, nhà phân tích Jamie Baker của ngân hàng JP Morgan nói.

Nhưng Frontier coi các đơn hàng máy bay mới chờ giao là “tài sản lớn” trong một thị trường hạn chế nguồn cung vì những thách thức trong hoạt động sản xuất máy bay dự kiến còn kéo dài.

Aengus Kelly, CEO của hãng cho thuê máy bay AerCap (Ireland) dự đoán tình trạng thắt chặt trên thị trường máy bay chở khách toàn cầu sẽ kéo dài đến hết thập niên này.

Giá máy bay mới tăng cao cũng đồng nghĩa với việc giá cho thuê tăng vọt. John Heimlich, nhà kinh tế trưởng của A4A, ước tính chi phí thuê máy bay của các hãng hàng không đang cao hơn 30% so với trước đại dịch Covid-19.

Dữ liệu của Cirium cho thấy giá thuê một chiếc Airbus A321neo đã lên đến 455.000 đô la Mỹ mỗi tháng, tăng 30% kể từ năm 2020. Các hãng hàng không chỉ phải trả tiền thuê hàng tháng trong suốt thời gian hợp đồng thuê mà còn phải chịu chi phí bảo trì và tiền đặt cọc.

Courtney Miller, người sáng lập Công ty tư vấn Visual Approach Analytics, cho biết sự chậm trễ bàn giao máy bay cũng có thể khiến các hãng hàng không rơi vào tình thế khó khăn, đặc biệt là những hãng phụ thuộc vào các giao dịch bán và thuê lại máy bay để tạo ra dòng tiền mặt và quản lý chi phí.

Hồi tháng 1, hãng hàng không Gol của Brazil nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Mỹ sau khi vật lộn để quản lý chi phí thuê máy bay và lãi cao do Boeing không bàn giao máy bay đủ nhanh để giúp hãng duy trì hoạt động đầy đủ. Tình hình tài chính của Frontier không quá tệ nhưng công ty này chỉ có lãi một quí trong 5 quí gần nhất.

“Tiến độ bàn giao máy bay mới phải được duy trì để hỗ trợ tài chính cho Frontier. Điều gì xảy ra khi máy bay mới không được bàn giao đúng kế hoạch?”, Miller nói.

Theo Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hang-hang-khong-tim-loi-nhuan-tu-ban-va-thue-lai-may-bay/
Zalo