Hàn Quốc: Tìm được chiếc điện thoại bảo mật quan trọng trong vụ thiết quân luật

Cảnh sát Hàn Quốc đã tìm được chiếc điện thoại di động bảo mật của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun trong cuộc lục soát ngày 12-12.

Chiếc điện thoại này được cài đặt phần mềm chống nghe lén và chống ghi âm giọng nói, bị cảnh sát thu giữ khi đột kích vào trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 12-12.

Cảnh sát đã cố gắng tịch thu chiếc điện thoại của ông Kim khi họ khám xét văn phòng và nơi ở chính thức của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc trong một cuộc đột kích ngày 8-12 nhưng không được.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun. Ảnh: Yonhap

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun. Ảnh: Yonhap

Tòa nhà Bộ Quốc phòng nằm trong cùng khu phức hợp bên cạnh văn phòng Tổng thống Yoon Suk-yeol và trụ sở Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS). Tòa nhà JCS được Bộ tư lệnh Thiết quân luật sử dụng khi lệnh này có hiệu lực thời gian ngắn đêm 3-12 và rạng sáng 4-12.

Các nhà điều tra nghi ngờ ông Yoon và ông Kim có thể đã sử dụng điện thoại bảo mật để ra lệnh và chỉ đạo các tướng lĩnh trong 6 giờ thiết quân luật.

"Việc tịch thu chiếc điện thoại di động của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim nhằm tìm bằng chứng liên quan đến lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tuần trước" – Yonhap nguồn tin từ một quan chức cảnh sát đột kích vào trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 12-12.

Lần này, phía JCS đã đồng ý hợp tác điều tra và cảnh sát nhận được tài liệu từ JCS dưới hình thức nộp tự nguyện. JCS là một cơ sở quân sự nên phải có sự đồng ý từ cơ quan này thì cảnh sát mới có thể tiếp cận.

Cơ quan Điều tra quốc gia Hàn Quốc (NOI) hôm 11-12 cũng đã tìm cách khám xét các văn phòng quan trọng khác trong khu phức hợp, bao gồm phòng họp nội các, Cơ quan An ninh tổng thống và phòng hầm bên trong trụ sở JCS, nằm cạnh khu phức hợp tổng thống.

Cuộc tìm kiếm đầu tiên kết thúc sau nhiều giờ, cảnh sát chỉ được cung cấp một số tài liệu hạn chế từ cơ quan an ninh vì cơ quan này từ chối hợp tác.

Cảnh sát hôm 12-12 cũng đã đột kích vào trụ sở Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô và thu giữ tài liệu từ các máy chủ được kết nối với điện thoại được bảo mật gắt gao.

Rắc rối liên quan Tổng thống Yoon sau lệnh thiết quân luật cũng lan ra bình diện quốc tế.

Bắc Kinh cho biết "rất ngạc nhiên và không hài lòng" với phát biểu của ông Yoon cáo buộc công dân Trung Quốc làm gián điệp.

Trong bài phát biểu 29 phút trước công chúng ngày 12-12, Tổng thống Yoon đã bảo vệ lệnh áp đặt thiết quân luật của mình, trong đó tuyên bố rằng các đảng đối lập đã ngăn chặn việc sửa đổi luật chống gián điệp dù có 2 trường hợp liên quan công dân Trung Quốc quay phim các cơ sở quân sự và Cơ quan Tình báo quốc gia tại Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trên truyền hình ngày 12-12. Ảnh: Yonhap

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trên truyền hình ngày 12-12. Ảnh: Yonhap

"Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và không hài lòng với những phát biểu mà phía Hàn Quốc đưa ra" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 12-12.

Bà nói thêm: "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc Hàn Quốc xâu chuỗi các vấn đề nội bộ của mình với các yếu tố liên quan đến Trung Quốc, đưa ra những cáo buộc sai trái về cái gọi là gián điệp Trung Quốc, làm mất uy tín hợp tác kinh tế và thương mại đôi bên".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vẫn chưa có phán quyết nào được đưa ra trong các vụ việc nêu trên và Trung Quốc vẫn đang duy trì liên lạc liên quan với Hàn Quốc.

Hải Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/han-quoc-tim-duoc-chiec-dien-thoai-bao-mat-quan-trong-trong-vu-thiet-quan-luat-196241213080901299.htm
Zalo