Hàn Quốc sản xuất hàng loạt tiêm kích KF-21 cạnh tranh với J-35
Hàn Quốc cho biết tiêm kích KF-21 Boramae sẽ sớm bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, đây là động thái đáng chú ý khi Trung Quốc hé lộ dây chuyền lắp ráp J-35 đã vận hành.

Dự án tiêm kích KF-21 Boramae của Hàn Quốc đã có bước tiến đáng kể khi nguyên mẫu thứ 6 hoàn thành đầy đủ các chuyến bay thử nghiệm quan trọng, bao gồm cả triển khai vũ khí.

Điều này đã được xác nhận bởi đại diện Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5, dự kiến sẽ trở thành xương sống trong chương trình nâng cấp Không quân Hàn Quốc.

Dự án nghiên cứu chế tạo tiêm kích KF-21 được Hàn Quốc khởi động từ năm 2001 nhằm thay thế các chiến đấu cơ F-4 Phantom II và F-5 Tiger II lạc hậu đang phục vụ trong không quân nước này.

Nguyên mẫu KF-21 bay thử lần đầu tiên vào ngày 19/7/2022 và cho đến nay đã hoàn thành hơn 1.300 bài kiểm tra, đạt khoảng 70% công suất dự kiến của phiên bản Block 1.

Phiên bản KF-21 Block 1 tập trung vào nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, với khả năng tấn công mặt đất hạn chế khi được thiết kế xoay quanh tên lửa Meteor, AIM-2000 (IRIS-T) cùng với pháo 20 mm.

Phiên bản KF-21 Block 2 sẽ được phát triển trong những năm tới, bổ sung khả năng tấn công mặt đất bằng vũ khí chính xác và bổ sung khoang chứa bên trong để cải thiện khả năng tàng hình.

Phi công thử nghiệm chính của Tập đoàn KAI - ông Cha Myung-soo cho biết những bài kiểm tra mới nhất nhằm mục đích đánh giá hệ thống điều khiển máy bay trong điều kiện sử dụng vũ khí.

“Chúng tôi đã chứng minh chiếc tiêm kích vẫn ổn định ngay cả khi sử dụng đầy đủ vũ khí, yếu tố này rất quan trọng trong điều kiện chiến đấu”, ông Cha Myung-soo nói rõ.

Nguyên mẫu KF-21 thứ 6 còn giữ vai trò quan trọng đối với thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử, trong khi các mẫu thử khác tập trung vào đánh giá khả năng cơ động, tích hợp radar mảng pha chủ động và khả năng phục hồi ở góc tấn cao.

KF-21 Boramae lắp 2 động cơ General Electric F414, 65% linh kiện sản xuất tại Hàn Quốc, bao gồm radar và hệ thống điện tử hàng không Hanwha Systems. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 25,4 tấn, tốc độ lớn nhất Mach 1,9 (2.300 km/h) và tầm hoạt động 2.900 km.

Máy bay có 10 giá treo vũ khí, mang được tối đa 7.700 kg, bao gồm tên lửa không đối không Meteor, IRIS-T, AIM-120, cũng như tên lửa không đối đất Taurus KEPD-350. Sắp tới KF-21 còn được tích hợp bom dẫn đường JDAM, LJDAM và KGGB.

Quá trình đánh giá tính năng đang diễn ra khẩn trương khi 6 nguyên mẫu, bao gồm 2 chiếc phiên bản hai chỗ ngồi được kiểm tra đồng thời nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện tính năng.

Hồi tháng 3 năm 2023, KF-21 đã phóng thành công tên lửa Meteor, và tới tháng 4/2025, máy bay đã thực hiện lần tiếp dầu trên không ban đêm đầu tiên thông qua máy bay KC-330, khẳng định khả năng hoạt động tầm xa.

Vào tháng 10/2024, KF-21 đã cho thấy khả năng cơ động ấn tượng tại Triển lãm Hàng không Sacheon, khi thực hiện hàng loạt động tác thao diễn phức tạp với độ chính xác tuyệt đối.

Kế hoạch sản xuất hàng loạt phiên bản KF-21 Block 1 dự kiến diễn ra vào năm 2026, Tập đoàn KAI đặt mục tiêu bàn giao 40 máy bay vào năm 2028 và nâng tổng số lên 120 chiếc trong năm 2032.

Tuy nhiên có một chi tiết cần lưu tâm đó là đơn đặt hàng lô tiêm kích KF-21 đầu tiên đã bị cắt giảm từ 40 xuống còn 20 chiếc vào năm 2024 để thử nghiệm thêm về tích hợp radar và vũ khí bổ sung.

Điều này làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng của chương trình. Mặc dù vậy, Tập đoàn KAI cho biết mọi việc vẫn đi đúng hướng để Không quân Hàn Quốc đánh giá hoạt động vào đầu năm 2026.

KF-21 Boramae không chỉ được xem như xương sống của Không quân Hàn Quốc mà còn có tiềm năng xuất khẩu cao khi Ba Lan, Philippines... đã bày tỏ quan tâm đến phiên bản Block 2, trong khi Indonesia từng có kế hoạch mua tới 50 máy bay.

Biến thể đặc biệt KF-21SA đang được phát triển sẽ cho phép tích hợp vũ khí và thiết bị điện tử nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng, cho thấy định hướng xuất khẩu rất rõ ràng.

Giám đốc điều hành Tập đoàn KAI - ông Kang Gu-young cho biết: "KF-21 là biểu tượng cho quá trình tự lực của Hàn Quốc trong ngành hàng không vũ trụ, đồng thời là chìa khóa để tăng cường năng lực phòng thủ cho đất nước".

Mặc dù vậy, an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của dự án: "Mọi nhiệm vụ đều được lên kế hoạch cẩn thận vì sự thành công của chương trình KF-21 có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia", ông Cha Myung-soo kết luận.