Hàn Quốc: Nhìn lại những lần quốc hội luận tội tổng thống
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trở thành tổng thống thứ ba của nước này bị quốc hội luận tội.
Ngày 14-12, quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol với 204 phiếu thuận, vượt qua ngưỡng 200/300 phiếu cần thiết, theo hãng thông tấn Yonhap.
Đây là lần thứ ba quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết luận tội tổng thống.
Tổng thống Yoon Suk-yeol với vụ thiết quân luật
Việc quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon là dấu mốc đáng chú ý sau 12 ngày bất ổn trên chính trường Hàn Quốc, sau khi ông Yoon bất ngờ ban bố thiết quân luật đêm 3-12.
Tối 3-12, Tổng thống Yoon có một cuộc họp báo bất ngờ trên truyền hình và ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”. Theo tờ The Korea Herald, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật sau 44 năm kể từ vụ bùng nổ phong trào Vận động dân chủ Gwangju vào ngày 18-5-1980.
Khoảng 6 giờ sau đó, ông Yoon đã dỡ bỏ thiết quân luật sau cuộc bỏ phiếu của quốc hội vào sáng sớm 4-12 yêu cầu tổng thống bãi bỏ nó.
Phe đối lập đã nhanh chóng xúc tiến quá trình luận tội ông Yoon với cáo buộc nổi loạn liên quan vụ thiết quân luật.
Ngày 7-12, quốc hội Hàn Quốc đã lần thứ nhất bỏ phiếu về kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon. Tuy nhiên kiến nghị luận tội không được thông qua do không đạt được ngưỡng hai phần ba số phiếu đồng ý, tức cần 200 trong tổng số 300 phiếu của quốc hội.
Sau đó, phe đối lập lần thứ hai đệ trình kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc lên quốc hội. Đến ngày 14-12, quốc hội Hàn Quốc tổ chức phiên họp toàn thể bỏ phiếu về kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol liên quan vụ thiết quân luật. Theo đó, quốc hội đã thông qua nghị quyết luận tội với 204 phiếu thuận, 85 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ.
Sau khi nghị quyết luận tội được chuyển đến Tổng thống Yoon, ông sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay lập tức, cho đến khi Tòa án Hiến pháp quyết định có nên phục chức hay chính thức phế truất ông sau quá trình cân nhắc có thể mất tới 180 ngày.
Trong thời gian đó, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống Hàn Quốc.
Tổng thống Park Geun-hye với bê bối tham nhũng
Bà Park Geun-hye nhậm chức tổng thống Hàn Quốc vào năm 2013 và được nhiều người biết đến là ái nữ của cựu Tổng thống Park Chung-hee.
Tuy nhiên, vụ bê bối chính trị năm 2016 đã kéo sự nghiệp của bà Park đi xuống. Bà Park bị cáo buộc cho phép bạn thân Choi Soon-il và một cố vấn gây sức ép buộc các tập đoàn lớn quyên tiền cho hai quỹ của bà Choi, cũng như để bà Choi can thiệp vào công việc chính phủ.
Ngoài ra, bà Park cũng bị cáo buộc đã lơ là nhiệm vụ khi xảy ra vụ đắm phà Sewol khiến gần 300 người, chủ yếu là học sinh cấp ba, thiệt mạng hồi tháng 4-2014.
Các vụ bê bối trên đã khiến hàng triệu người Hàn Quốc kéo xuống đường biểu tình, yêu cầu tổng thống phải từ chức và bị luận tội.
Đến tháng 12-2016, bà Park bị quốc hội luận tội. Sau đó, tháng 3-2017, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết giữ nguyên quyết định của quốc hội nước này về việc luận tội nữ Tổng thống Park. Như vậy, bà Park đã chính thức bị phế truất sau 92 ngày kể từ khi quốc hội Hàn Quốc thông qua quyết định luận tội.
Bà Park là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc và cũng là tổng thống dân cử đầu tiên bị phế truất tại quốc gia này.
Sau đó, bà Park bị tuyên án tổng cộng 22 năm tù giam, bắt đầu từ tháng 3-2017 sau khi bị luận tội và cách chức.
Tháng 12-2021, bà Park đã được cho ra tù sau gần năm năm bị kết tội tham nhũng.
Tổng thống Roh Moo-hyun với cáo buộc vi phạm luật bầu cử
Vào năm 2004, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Roh Moo-hyun trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị quốc hội luận tội với các cáo buộc vận động tranh cử bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ông Roh được phục chức sau khi Tòa án Hiến pháp bác bỏ động thái luận tội của quốc hội. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc từng mất 63 ngày để xem xét quyết định luận tội Tổng thống Roh.