Hàn Quốc chuyển giao công nghệ tên lửa vũ trụ Nuri cho công ty tư nhân

Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tên lửa đẩy vũ trụ Nuri cho công ty Hanwha Aerospace, với phí chuyển giao 20,4 tỷ won (14,8 triệu USD).

Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/7, Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) cho biết đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tên lửa đẩy vũ trụ Nuri (KSLV-II) cho công ty Hanwha Aerospace, thuộc Tập đoàn Hanwha - một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc (chaebol), hoạt động trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng, tài chính và hàng không vũ trụ.

Đây là lần đầu tiên toàn bộ công nghệ của một tên lửa đẩy nội địa do Hàn Quốc thiết kế và chế tạo được chuyển giao cho một công ty tư nhân.

Như vậy, Hanwha Aerospace hiện nắm giữ quyền chế tạo và phóng Nuri, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc sang ngành công nghiệp vũ trụ do tư nhân dẫn đầu.

Thông tin cho biết phí chuyển giao công nghệ được ấn định là 20,4 tỷ won (14,8 triệu USD), tương ứng với chi phí nghiên cứu và phát triển đã đầu tư vào Nuri.

Thỏa thuận bao gồm tất cả các công nghệ chính liên quan đến thiết kế, sản xuất và vận hành phóng, với 16.050 tài liệu kỹ thuật đã được bàn giao.

Tên lửa đẩy vũ trụ Nuri được Hàn Quốc phát triển từ năm 2010 đến năm 2022 với ngân sách khoảng 2.000 tỷ won.

Tháng 5/2023, với việc đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo trong lần phóng Nuri thứ ba, Hàn Quốc đã trở thành một trong bảy quốc gia có khả năng phóng vệ tinh nặng trên 1 tấn.

Khoảng hơn 300 công ty hàng không vũ trụ nội địa đã tham gia vào quá trình sản xuất Nuri, với tỷ lệ linh kiện nội địa là 95%.

Chính phủ Hàn Quốc đã chọn Công ty Hanwha Aerospace làm nhà tích hợp hệ thống để quản lý tất cả các công đoạn từ sản xuất đến vận hành.

Mục tiêu là xây dựng một "SpaceX Hàn Quốc," tương tự như cách Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chuyển giao công nghệ cho SpaceX để dẫn dắt sự phát triển không gian do tư nhân đầu tư.

Mặc dù Hanwha được chọn là nhà thầu ưu tiên từ tháng 10/2022, việc chuyển giao công nghệ đã bị trì hoãn do bất đồng về chi phí. Sau gần ba năm, hợp đồng chuyển giao mới được hoàn tất.

Kể từ lần đầu tiên Hàn Quốc phóng tên lửa khoa học năm 1993, chính phủ nước này đã đẩy mạnh phát triển nghiên cứu không gian trong suốt hơn 30 năm.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết giờ đây, các công ty như Hanwha Aerospace sẽ đảm nhiệm sản xuất hàng loạt, phóng và bảo trì.

Các chuyên gia nhận định việc chuyển giao công nghệ này báo hiệu sự chuyển dịch từ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) do chính phủ dẫn dắt sang công nghiệp hóa khu vực tư nhân, tạo điều kiện để các công ty tư nhân phát triển năng lực độc lập trong sản xuất tên lửa và vận hành phóng. Tăng trưởng trong ngành công nghiệp vũ trụ sẽ do khu vực tư nhân đóng vai trò trung tâm.

Giám đốc Điều hành Hanwha Aerospace, Son Jae Il đánh giá cao những nỗ lực nghiên cứu bền bỉ của KARI, đồng thời cam kết với việc tiếp nhận này, tập đoàn Hanwha sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ và hiệu quả chi phí của Nuri để chuẩn bị cho các dịch vụ phóng thương mại.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Chi phí phóng của Nuri vào khoảng 24.000 USD/kg, cao gấp khoảng 10 lần so với Falcon 9 của SpaceX, vốn có giá khoảng 2.000-3.000 USD/kg.

Nuri có thể mang 3.300kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp, trong khi Falcon 9 có thể mang 17.500 kg. Falcon 9 sử dụng tầng 1 có thể tái sử dụng giúp tiết kiệm chi phí, trong khi Nuri là tên lửa dùng 1 lần.

Ngành công nghiệp vũ trụ nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng số lượng các vụ phóng thương mại để duy trì hệ sinh thái vũ trụ của Hàn Quốc.

Nếu không có thêm hoạt động sản xuất sau đợt phóng Nuri thứ tư đến thứ sáu dự kiến vào năm 2027, nhiều nhà cung cấp linh kiện đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt đơn đặt hàng sau những sứ mệnh đó.

Một chuyên gia trong ngành cho biết ngành vũ trụ tư nhân của Hàn Quốc chỉ mới bắt đầu. Việc duy trì và phát triển hệ sinh thái được xây dựng xung quanh Nuri sẽ rất cần sự hỗ trợ của chính phủ, đặc biệt cho nhu cầu phóng vệ tinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/han-quoc-chuyen-giao-cong-nghe-ten-lua-vu-tru-nuri-cho-cong-ty-tu-nhan-post1051948.vnp
Zalo