Hàn Quốc chưa 'mặn mà' với dầu thô Mỹ
Khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tập hợp đội ngũ năng lượng của mình với mục tiêu mở rộng sản xuất dầu khí trong nhiệm kỳ thứ hai, các đồng minh có thể sẽ phải chịu áp lực nhập khẩu dầu của Mỹ.
Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành ngày 25/11 cho biết các công ty dầu mỏ Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào những nhà cung cấp Trung Đông, có thể sẽ ngần ngại chuyển sang dầu thô của Mỹ.
Vào cuối tuần qua, ông Trump đã chỉ định ông Chris Wright, Tổng giám đốc điều hành của Liberty Energy, một công ty khai thác khí đốt tự nhiên, làm Bộ trưởng Năng lượng, và Thống đốc Bắc Dakota Doug Burgum làm người đứng đầu Bộ Nội vụ và Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Quốc gia mới.
Cả hai người nói trên đều có chung lập trường với ông Trump về chính sách chống nhiên liệu hóa thạch của Chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã cam kết đạt được "sự thống trị năng lượng của Mỹ", mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch bằng cách phê duyệt hoạt động khoan, xây dựng đường ống và nhà máy lọc dầu mới.
Những người theo dõi ngành công nghiệp ở Hàn Quốc cho biết chính sách năng lượng mới của ông Trump dự kiến sẽ khiến giá dầu quốc tế giảm và ổn định nhu cầu dài hạn.
Mặc dù ông Trump chưa chính thức thúc giục các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả Hàn Quốc, nhập khẩu số lượng lớn dầu thô từ Mỹ, nhưng Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu đánh giá nguồn nhập khẩu của 4 công ty lọc dầu lớn của nước này - SK Energy, GS Caltex, S-Oil và HD Hyundai Oilbank.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Hàn Quốc, nguồn dầu từ Trung Đông chiếm tới 71,9% lượng dầu nhập khẩu của các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc trong khi con số tương ứng đối với dầu thô Mỹ là 14,2%. Gần 60% các giao dịch được thực hiện theo hợp đồng dài hạn, trong khi 40% còn lại là các giao dịch ngắn hạn được thực hiện tùy thuộc vào sự điều chỉnh giá.
Với việc mở rộng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vào năm 2017, Hàn Quốc đã tăng lượng nhập khẩu một lần từ quốc gia này. Tuy nhiên, sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine của Nga, hầu hết các sản phẩm dầu của Mỹ đã được chuyển hướng sang châu Âu, khiến Hàn Quốc phải quay trở lại nguồn cung từ Trung Đông. Nếu không có cuộc xung đột, Mỹ vẫn có giá dầu thô thấp hơn, ở mức 70,96 USD/thùng, trong khi chỉ số giá dầu Dubai là 73,07 USD/thùng lúc 13 giờ 30 phút ngày 25/11 (giờ địa phương). Hàn Quốc cũng có Hiệp định thương mại tự do với Mỹ, cho phép giao dịch dầu miễn thuế.
Mặc dù có những lợi thế về giá, các công ty Hàn Quốc vẫn chưa muốn tăng sự phụ thuộc vào Mỹ vì chi phí vận chuyển đã tăng gần gấp 3 lần. Dầu của Mỹ cũng mất gấp đôi thời gian để đến nơi so với dầu từ Trung Đông và kéo theo chi phí cơ sở hạ tầng bổ sung.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc được trang bị cho dầu thô nặng từ Trung Đông, với khoản đầu tư khiêm tốn vào những cơ sở lọc dầu thô nhẹ của Mỹ. Việc tăng lượng nhập khẩu của Mỹ sẽ đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể vào việc cải tạo cơ sở, gây ra gánh nặng tài chính. Ngoài công ty lọc dầu S-Oil, 3 nhà máy lọc dầu khác có thể phải chịu áp lực ngày càng lớn nếu ông Trump khăng khăng yêu cầu Hàn Quốc tăng nguồn cung cấp dầu từ Mỹ.
Quan chức này cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc không thể yêu cầu các công ty tư nhân tăng nguồn cung từ Mỹ. Nhưng nếu thương mại dầu mỏ giữa Mỹ và Hàn Quốc đi đến mức những cuộc đàm phán có thể tác động đến các mối quan hệ thương mại song phương khác, các nhà máy lọc dầu sẽ phải tăng lượng nhập khẩu từ Mỹ. Mặc dù vậy, nó sẽ không thay thế hoàn toàn dầu thô Trung Đông”.
Một nhà phân tích năng lượng Lee Jin Ho tại công ty môi giới chứng khoán Mirae Asset Securities, đồng tình với quan điểm này và lưu ý rằng: “Tác động tiềm tàng của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump đối với sự sụt giảm giá dầu quốc tế dự kiến sẽ là rất nhỏ. Trước đây, các chính sách thân thiện với nhiên liệu hóa thạch của Đảng Cộng hòa không dẫn đến sự mở rộng lớn trong sản xuất dầu của Mỹ. Các công ty Hàn Quốc có thể sẽ ưu tiên hiệu quả chi phí hơn là những thay đổi về chính sách”.