Hân hoan trong thời khắc lịch sử
Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi (mới) hân hoan trước sự kiện trọng đại, mang tính lịch sử khi 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum hợp nhất. Tất cả đều tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển của địa phương.
* Ông Lê Tùng Lâm (73 tuổi), cán bộ hưu trí ở phường Kon Tum: Mở ra không gian phát triển mới để thu hút các nhà đầu tư

Sinh ra tại Quảng Ngãi, từ năm 1966, tôi thoát ly lên Kon Tum. Với tôi, Quảng Ngãi là nơi chôn nhau cắt rốn và Kon Tum là nơi ghi dấu thanh xuân của cả gia đình. Do đó, khi có chủ trương hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, tôi rất phấn khởi.
Nhìn ở nhiều góc độ, tôi cho rằng, việc hợp nhất Quảng Ngãi và Kon Tum là một quyết định đúng đắn, hợp tình, hợp lý từ yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên cho đến tiềm năng, lợi thế. Nhất là mở ra không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng theo trục Đông - Tây, kết nối với các tỉnh miền Trung và các nước Lào, Campuchia nhưng không làm mất đi tính chất của vùng miền. Tôi kỳ vọng, không gian mới có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư; bộ máy mới sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, cùng người dân phát huy được các tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh mới phát triển mạnh mẽ hơn.
* Ông Trần Văn Thường (79 tuổi), cán bộ hưu trí ở tổ 6, phường Cẩm Thành: Động lực mới cho quê hương, đất nước

Việc hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thành tỉnh Quảng Ngãi là bước đi phù hợp trong tiến trình đổi mới, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, hội tụ sức mạnh của lịch sử, hiện tại và hướng tới tương lai tốt đẹp. Đất nước ta đang thực sự bước vào kỷ nguyên mới. Chúng tôi luôn tin tưởng và ủng hộ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Giờ đây tỉnh Quảng Ngãi vừa có biển, vừa có núi; có cảng biển và cửa khẩu quốc tế, đây là điều kiện để tỉnh phát triển kinh tế, xã hội ngày một mạnh mẽ hơn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng tạo ra không gian mới, tạo động lực mạnh mẽ để địa phương và cả đất nước phát triển. Tôi mong muốn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cũng như tinh thần đoàn kết để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
* Bà Phạm Thị Duyên, dân tộc Mường, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chư Hem, xã Ia Đal: Đầu tư hài hòa giữa các địa phương

Tôi thấy rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính các tỉnh, thành phố, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp là một cuộc cách mạng lớn của dân tộc. Trong bối cảnh chung, tỉnh Kon Tum hợp nhất với Quảng Ngãi đã nhận được sự đồng thuận của người dân, trong đó có người dân ở vùng biên giới Ia Đal.
Nhiều năm nay, bản thân tôi cũng như người dân địa phương luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Hằng ngày, chúng tôi luôn theo dõi, nắm bắt các thông tin, lộ trình của việc sáp nhập, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Với hướng đi cụ thể, bản thân tôi kỳ vọng rằng, bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của người dân tiếp tục được quan tâm, phát triển đồng đều ở các xã, phường.
* Đại đức Thích Nhuận Quang, trụ trì Tổ đình Trung Khánh, phường Kon Tum: Đồng thuận với chủ trương lớn, kỳ vọng vào tương lai

Ngày 1/7/2025 là một ngày có ý nghĩa trọng đại của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và đất nước nói chung. Tôi và các phật tử hân hoan chờ đợi thời khắc lịch sử hợp nhất tỉnh. Đồng thuận với chủ trương lớn, chúng tôi mong rằng, việc hợp nhất tỉnh sẽ mở ra cơ hội mới để phát huy các tiềm năng, lợi thế từ biển, từ rừng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Chúng tôi mong rằng, trong thời gian đến, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, các tuyến đường được mở rộng, kết nối giao thông mở hướng khai thác lợi thế chiến lược. Trước mắt không tránh khỏi những khó khăn, song chúng tôi tin tưởng bộ máy mới với quyết tâm cao, đồng sức, đồng lòng, hoạt động hiệu quả, góp phần đem đến thành công rực rỡ trong sự nghiệp đổi mới, hướng đến mục tiêu người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
* Bà Phạm Thị Thiết (75 tuổi), dân tộc Hrê, ở xã Ba Vinh: Quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Tôi vui mừng và kỳ vọng vào tương lai phát triển của quê hương, đất nước. Tin rằng dân sẽ giàu, nước sẽ mạnh; người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách an sinh thiết thực hơn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
* Ông Lê Duy, ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Giang: Góp sức vì sự nghiệp chung

Tôi tin tưởng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao, điều hành, chỉ đạo linh hoạt, đổi mới sáng tạo; sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của nhân dân, tỉnh nhà sẽ có sự phát triển vượt bậc. Qua các kênh truyền thông, tôi biết tỉnh đã chuẩn bị chu đáo về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cũng như việc học tập cho con em cán bộ ở Kon Tum... Gia đình tôi cũng có người thân làm việc ở tỉnh Kon Tum cũ, bản thân tôi cũng đã động viên con cháu chấp hành tốt việc sáp nhập tỉnh và nỗ lực làm việc góp sức mình cho sự nghiệp chung của quê hương, đất nước.
* Ông Kring Thêu, dân tộc Gié - Triêng, người có uy tín ở thôn Nông Nội, xã Dục Nông: Sẵn sàng thích nghi, bắt nhịp với sự thay đổi chung

Tôi sinh ra và lớn lên ở Kon Tum, thoạt đầu, khi nghe Kon Tum hợp nhất với Quảng Ngãi, bản thân tôi cũng có chút trăn trở. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, tôi thấy rằng, việc này sẽ mở ra không gian mới, có sự liên kết phát triển, điều đó sẽ tạo nhiều thuận lợi trong việc buôn bán, trao đổi hàng hóa, phát triển các lĩnh vực.
Bản thân tôi, gia đình tôi và người dân ở địa phương sẵn sàng thích nghi, bắt nhịp với sự thay đổi chung. Tôi và người dân trong thôn mong chờ dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sớm được triển khai, đưa vào khai thác, để thuận lợi trong việc đi lại. Chúng tôi cũng mong muốn, khi tỉnh mới đi vào hoạt động, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc, tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phát triển đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau.
* Ông Dương Thức (68 tuổi), ở thôn ĐôngAn Vĩnh, đặc khu Lý Sơn: Chính quyềnphải gần dân, phục vụ tốt nhu cầu chính đáng của nhân dân

Người dân chúng tôi rất phấn khởi, bởi từ ngày 1/7/2025 chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành. Đây là sự kiện mang tính lịch sử của tỉnh và của đất nước. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực, kinh phí. Nguồn lực đó sẽ được dành đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho từng địa phương. Tương lai của đất nước, của tỉnh và quê hương Lý Sơn sẽ có bước phát triển mới. Người dân chúng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đồng tình ủng hộ chủ trương của cuộc cách mạng này.
Nhân dân rất tin tưởng và mong muốn chính quyền cấp xã thật sự gần dân, sát dân, phục vụ tốt yêu cầu chính đáng của người dân, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
* Y Nhi, sinh viên năm nhất ngành Sư phạm, Trường Cao đẳng Kon Tum: Thế hệ trẻ sẽ ra sức học tập

Từ nhiều ngày trước, em phấn khởi khoe với các bạn rằng, tỉnh mình bây giờ đã có cả rừng vàng và biển bạc. Từ những lợi thế riêng, tỉnh mới sẽ có sức mạnh tổng hợp.
Là người dân tộc Rơ Măm - dân tộc rất ít người, sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới Mô Rai, em nhận thức được rằng, mỗi bạn trẻ cần nỗ lực hơn nữa, phấn đấu học tập, tiếp thu khoa học, công nghệ để góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, và chính chúng em, thế hệ trẻ sẽ là người tiếp bước cha ông, xây dựng đất nước giàu đẹp.
Với việc hợp nhất tỉnh, mở ra không gian phát triển kinh tế, xã hội rộng lớn, khi hạ tầng giao thông được phát triển, kết nối, em hy vọng người dân từ các vùng xa xôi sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các KCN của tỉnh, nhất là những sinh viên mới ra trường, tạo được sự phát triển đồng đều ở các xã, phường, đặc khu trong tỉnh.