'Hạn chót' cho thỏa thuận hạt nhân Iran?

Việc Mỹ và 3 cường quốc châu Âu thống nhất lựa chọn cuối tháng 8 là thời hạn chót để đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Iran thể hiện bước đi chiến lược mới nhằm đưa Tehran đến bàn đàm phán, nhưng cũng có thể gây tác động không mong muốn cho tiến trình này, dựa trên những phản ứng mà Iran đang đưa ra.

Theo thông tin do trang Axios đăng tải ngày 15/7 (giờ địa phương) Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và những người đồng cấp nhóm E3 (gồm Anh, Đức, Pháp) trong cuộc điện đàm một ngày trước đó đã thống nhất thời hạn chót để đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Trích dẫn 3 nguồn thạo tin, Axios cho biết thời hạn được các bên thống nhất là vào cuối tháng 8 năm nay. Cuộc điện đàm vừa qua giữa ngoại trưởng 4 nước được cho là nhằm mục đích phối hợp lập trường trong lộ trình đàm phán ngoại giao về vấn đề hạt nhân với Iran cũng như đưa ra các giải pháp liên quan.

Việc Mỹ và 3 nước châu Âu đưa ra hạt chót cho thỏa thuận hạt nhân liệu có phải tối hậu thư với Iran? Ảnh: Getty

Việc Mỹ và 3 nước châu Âu đưa ra hạt chót cho thỏa thuận hạt nhân liệu có phải tối hậu thư với Iran? Ảnh: Getty

Các nguồn tin cũng cho biết thêm, nếu các bên liên quan không đạt được thỏa thuận trước thời hạn trên, nhóm E3 sẽ kích hoạt "Cơ chế tái áp đặt trừng phạt" (snapback) được quy định trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Cơ chế này cho phép khôi phục toàn bộ các biện pháp trừng phạt từng được dỡ bỏ theo Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc) vào năm 2015.

Những thông tin này cũng tương đồng với tuyên bố được Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đưa ra ngày 15/7, theo đó khẳng định Pháp, Vương quốc Anh và Đức sẽ kích hoạt cơ chế "snapback" đối với Iran muộn nhất vào cuối tháng 8, nếu đến thời điểm đó không có tiến triển cụ thể nào về một thỏa thuận hạt nhân. "Pháp và các đối tác của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để tái áp đặt các lệnh cấm vận toàn cầu đối với vũ khí, ngân hàng và thiết bị hạt nhân từng được dỡ bỏ cách đây 10 năm. Nếu không có cam kết chắc chắn, cụ thể và có thể kiểm chứng từ Iran, chúng tôi sẽ thực hiện động thái này muộn nhất vào cuối tháng 8", ông Barrot phát biểu với báo giới trước cuộc họp Ngoại trưởng EU tại Brussels.

Quy định "phục hồi" - đã được đưa vào thỏa thuận để các bên có thể phản ứng khi xác định Iran vi phạm các cam kết - sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới. Việc kích hoạt cơ chế "phục hồi" sẽ kéo dài trong 30 ngày, và các quốc gia châu Âu được cho là muốn hoàn tất việc kích hoạt (nếu có) trước khi Nga đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 10. Với cơ chế trên, các biện pháp như cấm vận vũ khí, hạn chế đi lại, phong tỏa tài sản của các cá nhân/tổ chức và cấm giao dịch tài chính sẽ được áp dụng với Iran.

Cần lưu ý rằng, năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai và quay trở lại nắm quyền từ tháng 1 vừa qua, ông Trump kêu gọi Tehran trở lại bàn đàm phán để có thể đạt được thỏa thuận mới. Song, các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân đã bị gián đoạn vì chiến dịch tấn công 12 ngày của Israel cũng như cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Iran. Vì thế, giới quan sát cho rằng, việc đưa ra một hạn chót gần kề là chiến lược mới của Mỹ và ba cường quốc châu Âu nhằm gây sức ép buộc Tehran phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, dường như đây chưa phải thời điểm phù hợp, nhất là khi Iran liên tục đưa ra những tuyên bố phản đối gần đây.

Theo đó, Hãng thông tấn nhà nước IRNA hôm 15/7 đưa tin, cố vấn của lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Velayati, khẳng định nước này sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ về chương trình hạt nhân nếu Washington buộc Tehran phải từ bỏ hoạt động làm giàu urani. Hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời ông Velayati quả quyết: "Nếu các cuộc đàm phán bị đặt điều kiện là phải ngừng làm giàu urani, thì sẽ không có đàm phán nào diễn ra". Trong khi đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhấn mạnh cam kết theo đuổi con đường ngoại giao và phản đối chiến tranh, đồng thời sẽ sử dụng mọi nguồn lực chính trị để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Chỉ ba ngày trước đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán nào với các cường quốc sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề hạt nhân và không liên quan đến năng lực quân sự của Tehran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo. Phát biểu trước các nhà ngoại giao tại thủ đô Tehran hôm 12/7, Ngoại trưởng Araghchi nêu rõ: "Nếu đàm phán được tiến hành, chủ đề đàm phán sẽ chỉ là hạt nhân và tạo dựng lòng tin vào chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt". Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cũng nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận hạt nhân mới nào đều phải tôn trọng quyền được làm giàu urani vì mục đích hòa bình theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đáng chú ý, cùng thời điểm 4 Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp, Đức đưa ra hạn chót, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmaeil Baghaei, cũng lập tức cảnh báo nước này sẽ phản ứng mạnh nếu LHQ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của nước này. Ông Baghaei khẳng định việc châu Âu đe dọa sử dụng "cơ chế tái áp đặt trừng phạt" là không có cơ sở pháp lý và chính trị, và việc này sẽ vấp phải phản ứng tương xứng từ Iran. Tehran cho rằng các quốc gia châu Âu đã vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nên không có đủ tư cách pháp lý để kích hoạt cơ chế này.

Đặt trong bối cảnh chảo lửa Trung Đông đang diễn biến phức tạp với liên tiếp xung đột xảy ra, việc đặt hạn chót là tháng 8 không khác gì một "tối hậu thư" mà Mỹ và châu Âu gửi đến Iran. Truyền thông quốc tế cũng đang chờ đợi những phản ứng tiếp theo từ cả hai bên, với hi vọng về một triển vọng ngoại giao đầy thiện chí, giúp gián tiếp hạ nhiệt tại Trung Đông.

Bảo Hân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/han-chot-cho-thoa-thuan-hat-nhan-iran--i775021/
Zalo