Hai vợ chồng khuyết tật vượt lên nghịch cảnh bằng nghề khảm trai độc đáo
Vượt lên nghịch cảnh, bằng sự cần mẫn và đôi bàn tay khéo léo, vợ chồng anh Thành đã tạo ra những bức khảm trai độc đáo.
Một chiều mưa lạnh đầu đông, như mọi ngày, vợ chồng anh Nguyễn Mậu Thành (SN 1980) và chị Phạm Thị Bé (SN 1985), ở tổ dân phố Diêm Hạ, phường Đức Ninh Đông, Tp.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vẫn cần mẫn với công việc của mình.
Trong căn nhà nhỏ mới được xây dựng phần thô, anh Nguyễn Mậu Thành kể về cuộc đời đầy gian truân và cơ duyên đến với nghề khảm trai rồi gặp người vợ của mình.
Anh Thành cho biết, mình sinh ra trong gia đình đông anh em, hoàn cảnh lại khó khăn nên tuổi thơ trải qua nhiều khổ cực. Năm anh 5 tuổi, căn bệnh bại liệt đã khiến cơ thể suy kiệt, đôi chân cứ teo dần từ đó.
"Dù khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mình ham học lắm. Năm 2002, sau khi học xong cấp 3, mình vào tận Đà Nẵng thi đại học. Mình vẫn nhớ khi đi thi đại học, mọi người nói bản thân khuyết tật, nhà nghèo thì lấy tiền đâu mà đi học. Biết là vậy nhưng mình vẫn đi trong tâm thế thử sức", anh Thành nhớ lại.
Cuộc đời thật khắc nghiệt khi anh nhận được giấy báo trúng Đại học Bách khoa Đà Nẵng và ngậm ngùi "từ chối" giấc mơ bước chân vào giảng đường bởi hoàn cảnh không cho phép.
Cuối năm 2002, anh xin vào làm thuê cho một xưởng mộc tại xã Nghĩa Ninh, Tp.Đồng Hới. Sau một thời gian học việc, thấy anh chăm chỉ, chịu khó học tập, làm việc nên chủ xưởng mộc đã truyền nghề khảm trai.
Đây là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp nhằm tạo ra những câu đối, sập gụ, bình phong, tủ chè, tráp trầu... với những hoa văn đặc sắc.
Trong quá trình học nghề và làm việc, năm 2010, cơ duyên đã giúp anh Thành gặp chị Phạm Thị Bé (quê ở Hà Nội) cũng là người khuyết tật làm việc tại xưởng rồi họ kết hôn thành vợ chồng.
Chị Bé tâm sự: “Tôi theo nghề khảm trai từ năm 12 tuổi. Hễ chủ xưởng nhận công trình ở đâu thì mình sẽ đi theo họ. Sau khoảng thời gian rong ruỗi khắp các tỉnh thành, tôi gặp anh Thành ở Quảng Bình. Khi biết chúng tôi đến với nhau, gia đình hai bên một mặt ủng hộ nhưng bên cạnh đó họ vẫn lo lắng vì cả hai đều là người khuyết tật... Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi quyết tâm đến với nhau bằng sự đồng cảm và tình yêu chân thành”.
Trong khoảng sân nhỏ, ngày ngày vợ chồng anh Thành cần mẫn với công việc khảm trai của mình. Theo anh Thành, khảm trai là công việc đòi hỏi người làm phải khéo tay, sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết mới có thể tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Công việc được vợ chồng anh Thành chia nhau làm theo từng công đoạn.
"Sau khi nhận đơn hàng, anh Thành sẽ lên ý tưởng rồi vẽ mẫu ra giấy, đánh giá và lựa chọn ra những mẫu phù hợp, ưng ý nhất để đưa vào thực hiện. Quan trọng hơn nữa là công đoạn cưa trai, dán vào gỗ.
Còn tôi sẽ đục gỗ, gắn trai vào gỗ, mài khảm và sử dụng bột đen để làm nổi bật họa tiết... Cả hai vợ chồng phải mất khoảng 5 ngày để hoàn thành 4 bức tranh tứ quý. Tính cả vốn nguyên liệu và công làm chỉ 2 triệu đồng", chị Bé cho biết.
Các sản phẩm của anh chị làm ra đều ấn tượng, độc đáo, mang nét văn hóa, đặc trưng riêng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện, anh Thành đang liên kết khoảng 20 xưởng mộc trên địa bàn Tp.Đồng Hới để làm các tác phẩm khảm trai. Nhờ đó, vợ chồng anh có việc làm thường xuyên, nguồn thu nhập ổn định. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù, sau 15 năm chung sống, vợ chồng anh Thành đã xây được một căn nhà kiên cố và có hai người con 1 gái, 1 trai.
"Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn khi nợ ngân hàng chưa trả hết và đứa con trai sau bị hạn chế về nhận thức. Vợ chồng tôi vẫn bảo ban nhau phải cố gắng vượt qua tất cả, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội", anh Thành chia sẻ.
Đến nay, anh Thành cũng đang ấp ủ dự định vay vốn để mua máy móc, nguyên liệu, mở rộng thị trường nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng yêu nghệ thuật khảm trai trên địa bàn.