Hải Phòng tăng cường giám sát xe đưa đón học sinh, đảm bảo an toàn giao thông

Việc giám sát xe đưa đón học sinh tại Hải Phòng là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục và lực lượng chức năng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Hiện nay, đa phần giờ đi học của học sinh đều trùng với giờ đi làm của bố mẹ. Điều này khiến các bậc phụ huynh xoay sở không kịp nhất là khi đưa con đi học vào các giờ cao điểm, đường xá đông đúc, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Đôi khi con vừa đến trường muộn mà bố mẹ cũng đến công ty không đúng giờ, đây đang là một vấn đề nan giải với các bậc phụ huynh.

Do đó, nhiều phụ huynh lựa chọn giải pháp thuê xe đưa đón học sinh hoặc sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh của trường.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn xe đưa đón học sinh là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Bên cạnh sự chủ động của nhà trường, các bậc phụ huynh kỳ vọng cơ quan chức năng tăng cường quản lý đối với hoạt động của dịch vụ này, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 Dịch vụ xe đưa đón học sinh được nhiều phụ huynh Hải Phòng sử dụng. (Ảnh minh họa: Ảnh tư liệu Phạm Linh)

Dịch vụ xe đưa đón học sinh được nhiều phụ huynh Hải Phòng sử dụng. (Ảnh minh họa: Ảnh tư liệu Phạm Linh)

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, phụ huynh ở phường Cát Dài (quận Lê Chân) có con đang học lớp 2 tại một trường liên cấp ở quận Hải An cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều bận rộn với công việc, ông bà lại tuổi cao nên không thể phụ giúp đưa các cháu đi học. Trường của con tôi cách nhà khoảng 10km nên gia đình đã đăng ký dịch vụ xe buýt đưa đón con của trường”.

Hiện, dịch vụ đưa đón học sinh đáp ứng nhu cầu của nhiều bậc cha mẹ có công việc bận rộn. Ngoài xe đưa đón học sinh do các trường liên cấp, trường tư cung cấp dịch vụ còn có cá nhân, đơn vị tư nhân đứng ra tự tổ chức, thỏa thuận với cha mẹ học sinh có nhu cầu đưa đón con, chủ yếu tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các huyện Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy và quận Dương Kinh…

Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao, trong khi còn thiếu những quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể, nên quá trình hoạt động đã có một số bất cập như: Dịch vụ đưa đón học sinh còn tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm trong thực hiện quy trình đưa đón học sinh... tạo ra nguy cơ mất an toàn cho trẻ em.

Một phụ huynh Trường Tiểu học Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết: “Hàng ngày tôi đưa đón con đi học thường bắt gặp hình ảnh xe tự chế đưa đón học sinh. Đó là xe máy móc nối với thùng xe ba gác. Thùng xe dạng lồng sắt, có mái, rèm che, thanh chắn sơ sài.

Có những hôm tôi bắt gặp một xe nhồi nhét cả chục cháu. Nhìn hình ảnh như vậy tôi rất lo lắng về an toàn của các cháu nhất là con em mình khi tham gia giao thông trên đường nếu chẳng may va quệt vào các phương tiện như vậy.

Thực tế thì phụ huynh nào cũng lo lắng cho an toàn của con. Nhưng nhiều gia đình thu nhập thấp, công việc lại bận rộn nên vẫn lựa chọn những loại xe như vậy”.

Qua thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tính đến tháng 9/2024, có gần 100 ô tô đưa đón khoảng 2.100 trẻ em mầm non và học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông đến trường. [1]

Dù trên địa bàn thành phố chưa xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến xe đưa đón học sinh, tuy nhiên, từ các vụ việc trẻ bị bỏ quên dẫn đến tử vong là lời cảnh tỉnh đối với các đơn vị vận tải hành khách, cơ sở giáo dục về việc cần tăng cường các biện pháp an toàn đối với dịch vụ này, ngăn chặn triệt để những vụ việc nguy hiểm, đau lòng tương tự xảy ra.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh, cuối tháng 6/2024, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải rà soát các trường học có sử dụng ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư 12/2020/TTBGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; bảo đảm không còn hành khách trên xe khi kết thúc hành trình.

Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các cơ sở giáo dục có hoạt động sử dụng ô tô đưa đón học sinh thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe; phối hợp hội cha mẹ học sinh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe, tuyệt đối không hợp đồng vận chuyển đưa đón học sinh đối với nhà xe không bảo đảm các điều kiện…

Cũng từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo công tác này. Trong đó, Sở yêu cầu người đứng đầu các trường học phải thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, bao gồm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh; chú trọng các quy định an toàn khi ngồi trên xe ô tô; kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp (cách mở cửa lên/xuống xe; bấm còi gây sự chú ý cho người xung quanh, phát tín hiệu cấp cứu bằng âm thanh, ánh sáng, ký hiệu; sử dụng búa phá kính thoát hiểm trên xe…).

Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có sử dụng dịch vụ ô tô đưa đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có đủ điều kiện theo quy định; lái xe đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan tới sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh.

Nhà trường phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng ô tô… Thủ trưởng các đơn vị giáo dục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, và phải thường xuyên trao đổi thông tin giữa trường và gia đình trong kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên đưa đón học sinh.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 quy định tại Điều 46. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh nêu:

Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;

Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.

2. Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10, khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

4. Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

5. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.

6. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baohaiphong.vn/vi/giao-thong/nam-hoc-2024-2025-tang-cuong-giam-sat-xe-dua-don-hoc-sinh-2024812173713.htm

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hai-phong-tang-cuong-giam-sat-xe-dua-don-hoc-sinh-dam-bao-an-toan-giao-thong-post246709.gd
Zalo