Hải Phòng: Ngôi đền đẹp nhất Ngũ linh từ xứ Tiên
Với nhiều giá trị quý giá về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đền Hà Đới ở xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, được công nhận Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1992.
Hệ thống Ngũ linh từ ở huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, địa phương và du khách với nhiều giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, bao gồm các đền: Gắm, Canh Sơn, Bì, Để Xuyên và Hà Đới.
Xưa, mỗi khi hạn hán, các đền kể trên đều có lễ rước về đình Cựu Đôi ở thị trấn Tiên Lãng (cùng huyện Tiên Lãng) để cầu đảo (cầu mưa). Sau lễ cầu đảo, nếu trời không mưa, địa phương sẽ tổ chức hội đua thuyền rồng ở đầm Bì. Lạ kỳ, sau hội đua thuyền, trời lập tức đổ mưa.
Trong số 5 đền thuộc Ngũ linh từ, mỗi đền có nét đặc trưng, độc đáo riêng. Trong đó, đền Hà Đới ở thôn Hà Đới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, được đánh giá có khuôn viên, cảnh quan và kiến trúc đẹp nhất.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Hưởng - thành viên Ban Quản lý Di tích Đền Hà Đới, cho biết, đền được xếp hạng là Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 983/QĐ-BVH ngày 4/8/1992.
Theo tài liệu còn lưu giữ và truyền ngôn trong vùng, đền Hà Đới được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Đền thờ Thượng tướng quân Trần Quốc Thành - danh tướng thời nhà Trần và Băng Ngọc công chúa.
Danh tướng Trần Quốc Thành, sinh năm Giáp Tý (1264), thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần quê ở xã Vị Hoàng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Tương truyền, năm 16 tuổi, ông đã thông suốt kinh thư, tinh tường trận pháp, văn võ song toàn.
Tên tuổi của danh tướng Trần Quốc Thành gắn liền với những chiến công hiển hách cùng quân dân nhà Trần đánh bại giặc Nguyên Mông xâm lược ở những địa danh nổi tiếng trong lịch sử, như: Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Bạch Đằng.
Trong những năm 1284, 1285, ông được triều đình giao phó trọng trách đưa quân xuống trấn giữ vùng Duyên hải phía Đông, lập đại bản doanh ở vùng đất trang Ngọc Đới, huyện Bình Hà, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Sau khi ông mất, vua Trần sai sứ về tận quân doanh ở Trang Ngọc Đới cùng nhân dân và tướng sĩ hành lễ, ban chiếu lập đền miếu phụng thờ.
Theo phong thủy, đền Hà Đới được dựng trên thế đất địa long có giếng mắt rồng bên trái. Đền quay hướng chính Tây, có bố cục chữ "Tam" với 3 gian Tiền tế, 3 gian Trung cung, 3 gian Hậu cung, nhà khách, nhà bia… trên khuôn viên rộng lớn.
Đến nay, đền Hà Đới vẫn còn lưu giữ 3 gian Hậu cung với 4 bộ vì. Trong đó, 2 vì kèo giữa có kết cấu tương tự nhau kiểu chồng rường cốn mê. Phần hiên chạm nổi các đồ án cúc hóa rồng, lá hóa phượng, trúc hóa long.
Hiện tại số lượng di vật còn lưu giữa ở đền Hà Đới khá phong phú về loại hình, phong cách nghệ thuật. Trong đó có thể kể đến: Tượng danh tướng Trần Quốc Thành bằng gỗ đặt trong khám thờ, 2 pho tượng phỗng, khám thờ, tượng công chúa Băng Ngọc, tượng tam thế, kiệu bát cống, chấp kích, bát bửu.
Ông Phạm Văn Hưởng - thành viên Ban Quản lý Di tích đền Hà Đới ở huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, thông tin với phóng viên, Lễ hội đền Hà Đới diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/11 Âm lịch hằng năm. Với nhiều hoạt động tế lễ, văn hóa, văn nghệ, Lễ hội là dịp để người dân địa phương tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Trần Quốc Thành.
Đặc biệt, chợ Giải trên khu đất rộng quanh đền Hà Đới chỉ họp mỗi năm một phiên vào sáng mùng 2 Tết Nguyên Đán. Đây là phiên chợ "lấy may" mỗi dịp đầu Xuân.