Hai nỗ lực mới của Ukraine sau khi bị Liên bang Nga tấn công bằng tên lửa đạn đạo

Sau khi thành phố Dnipro bị tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik tấn công, Ukraine được cho là đang nỗ lực có được hệ thống THAAD và nâng cấp Patriot để đối phó với các mối đe dọa mới từ phía Liên bang Nga.

Hậu quả của cuộc tấn công bằng tên lửa của Liên bang Nga vào thành phố Dnipro ngày 21/11/2024. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Quốc gia Ukraine/Telegram

Hậu quả của cuộc tấn công bằng tên lửa của Liên bang Nga vào thành phố Dnipro ngày 21/11/2024. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Quốc gia Ukraine/Telegram

Một nguồn tin quân sự Ukraine tiết lộ rằng nước này đang đàm phán với Mỹ để sở hữu các hệ thống phòng không tiên tiến sau vụ tấn công bằng tên lửa tầm trung của Liên bang Nga.

Cụ thể là một nguồn tin từ Bộ Tổng Tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) tiết lộ với kênh Interfax-Ukraine rằng Ukraine đang tích cực tìm kiếm các giải pháp phòng thủ tên lửa tiên tiến sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik của Liên bang Nga vào thành phố Dnipro hôm 21/11.

Vụ tấn công này đánh dấu việc Liên bang Nga lần đầu tiên thử nghiệm trong môi trường chiến đấu một loại tên lửa với đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV - Multiple Independently-targetable Reentry Vehicle) thông thường.

Ban đầu, Ukraine nhận định vũ khí này là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong khi các nguồn phương Tây cho rằng đó là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM).

Theo nguồn tin, các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành với Mỹ để có được các hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến và quân đội Ukraine đang xem xét hai lựa chọn chính: hoặc là nâng cấp hệ thống phòng không Patriot hiện có, hoặc là mua Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Tên lửa thử nghiệm mới của Liên bang Nga sở hữu các đặc điểm đặc biệt, khiến chúng khác biệt so với các loại tên lửa thông thường và theo nguồn tin thì vũ khí này có tốc độ bắn và tầm cao vươn tới “vượt trội so với các loại tên lửa thông thường”.

Tổng cục Tình báo Ukraine cho biết tên lửa tấn công thành phố Dnipro có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa 'Kedr', bay 15 phút trước khi lao xuống mục tiêu. Nó mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn mang 6 đầu đạn con. Tốc độ của tên lửa trong giai đoạn cuối của quỹ đạo vượt quá Mach 11 (gấp 11 lần tốc độ âm thanh, khoảng 13.600 km/h), cho thấy khả năng tấn công mạnh mẽ và chính xác của loại vũ khí này.

Mặc dù tên lửa này mang tính đe dọa cao, nhưng nguồn tin tin rằng mục tiêu chính của Liên bang Nga khi sử dụng nó tấn công thành phố Dnipro là nhằm phát thông điệp cảnh báo người dân Ukraine.

Trả lời phỏng vấn trang thông tin The War Zone (TWZ), ông Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình WMD tại Viện Nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (UNIDIR) cho rằng việc Liên bang Nga dùng một loại vũ khí chưa từng được sử dụng trước đây trên lãnh thổ Ukraine, hơn nữa còn dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của Ukraine đã truyền tải một thông điệp rất mạnh mẽ và sẽ được lan truyền khắp châu Âu. Xét cho cùng, đây là một tên lửa có thể bắn tới bất kỳ mục tiêu nào trên lục địa và vào một ngày khác, có thể được gắn đầu đạn hạt nhân.

Xem video ghi lại nhiều ánh chớp bùng lên ở thành phố Dnipro của Ukraine sau khi Liên bang Nga tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung vào đây. Nguồn: Reuters

Ngày 21/11, Liên bang Nga đã phóng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik tấn công thành phố Dnipro ở Đông Ukraine. Sau này, địa điểm phóng được xác định là từ bãi thử tên lửa thứ 4 ở Kapustin Yar thuộc vùng Astrakhan của Liên bang và mục tiêu bị tấn công là cơ sở của tập đoàn tên lửa và vũ trụ Yuzhmash - một doanh nghiệp tên lửa và quốc phòng của Ukraine tại thành phố Dnipro.

Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng đại diện của tổ hợp công nghiệp-quân sự và các nhà thiết kế vũ khí tên lửa của Liên bang Nga ở Moskva ngày 22/11, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Oreshnik là loại tên lửa nằm trong dòng nghiên cứu phát triển mới nhất và hiện đại nhất, không phải là phiên bản nâng cấp của các phiên bản có từ thời Liên Xô.

Ông Putin nói: "Hệ thống Oreshnik không liên quan đến việc hiện đại hóa các hệ thống cũ của Liên Xô. Hệ thống này là kết quả chính trong công trình nghiên cứu quân sự của Nga, công trình đã được thực hiện trong thời đại Nga, trong điều kiện của nước Nga mới, được tiến hành trên cơ sở những phát triển hiện đại và mới nhất".

Ông Putin bổ sung thêm rằng hiện nay trên thế giới không có phương tiện nào để chống lại tên lửa đạn đạo siêu vượt Oreshnik, không có phương tiện nào có thể đánh chặn nó.

Nhà lãnh đạo Liên bang Nga khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành thêm các thử nghiệm với tên lửa Oreshnik, bao gồm cả trong điều kiện chiến đấu, tùy thuộc vào tình hình và bản chất của các mối đe dọa an ninh đối với Liên bang Nga.

Ông Putin cũng tuyên bố Moskva sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt loại vũ khí mới này và đưa vào phục vụ trong Lực lượng Tên lửa chiến lược.

Xem video Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ngày 22/11/2024, nói rằng trên thế giới không có phương tiện nào để chống lại tên lửa Oreshnik và Moskva sẽ cho sản xuất hàng loạt loại vũ khí này, đưa vào phụ vụ trong Lực lượng Tên lửa chiến lược. Nguồn: Reuters

Cũng tại buổi họp hôm 22/11, Tư lệnh Lực lượng tên lửa Nga, ông Sergey Karakayev thông báo tên lửa siêu Oreshnik có thể tiếp cận các mục tiêu trên toàn bộ châu Âu.

Ông Karakayev cho biết: "Căn cứ nhiệm vụ và phạm vi của vũ khí này, tên lửa Oreshnik có thể tấn công các mục tiêu trên toàn châu Âu, điều này khiến loại tên lửa này khác biệt so với các loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao khác".

Ông Karakayev nói thêm: "Hệ thống tên lửa siêu vượt âm này có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào - từ mục tiêu biệt lập đến mục tiêu trong một vùng, cũng như mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt - với hiệu suất cao".

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters/Interfax-Ukraine/Euromaidan Press)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/hai-no-luc-moi-cua-ukraine-sau-khi-bi-lien-bang-nga-tan-cong-bang-ten-lua-dan-dao-20241123164352992.htm
Zalo