Hai năm, Nghệ An xuất khẩu hơn 46.000 lao động

Mức thu nhập do người lao động Nghệ An đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 17 đến 35 triệu/người/tháng. Nhiều người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn năm 2023 - 2024, toàn tỉnh này đã đưa được 46.157 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước khác.

Lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng được đào tạo ngoại ngữ, học định hướng và có trình độ tay nghề chiếm khoảng trên 60%, chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình, còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề.

Nghệ An hiện có khoảng 7% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học cũng tham gia đi xuất khẩu lao động, tập trung các ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Mức thu nhập do người lao động Nghệ An đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 17 đến 35 triệu/người/tháng. Nhiều người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI, có mức thu nhập ổn định. Số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 600 đến 650 triệu USD/năm góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương và Xã hội đã cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sở Lao động Thương và Xã hội Nghệ An đã ban hành văn bản giới thiệu cho trên 50 doanh nghiệp vào địa phương tuyển chọn, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, tuyển chọn lao động. Chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời phối hợp giải quyết trong tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, chú trọng các thị trường lao động có thu nhập cao, an ninh chính trị ổn định, phù hợp với trình độ tay nghề của lao động địa phương.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị tại Nghệ An thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời; chủ động phòng ngừa, đấu tranh đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài để dụ dỗ, lôi kéo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp…

Tỉnh này tích cực thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người lao động đi làm việc tại nước ngoài được hỗ trợ đầy đủ như: Hỗ trợ vay vốn thông qua các chính sách ưu đãi tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; Hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 4 - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025...

Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thường xuyên nắm bắt theo dõi tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý lao động. Thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình người lao động để tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đúng hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, hệ lụy khi ở lại làm việc bất hợp pháp.

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hai-nam-nghe-an-xuat-khau-hon-46-000-lao-dong.htm
Zalo