Hai Bộ trưởng 'chia lửa' giải đáp những vấn đề nóng về môi trường ĐBSCL

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng TN&MT sáng 4/6, nhiều đại biểu quan tâm đến các vấn đề nổi cộm tại ĐBSCL hiện nay như hạn hán, xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham gia trả lời chất vấn về vấn đề tài nguyên môi trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham gia trả lời chất vấn về vấn đề tài nguyên môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nêu thực trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng ĐBSCL, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng. Bà đề nghị Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng trên.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, hiện nay quy hoạch vùng ở các tỉnh ĐBSCL có xây dựng những hồ chứa nước ngọt với diện tích rất lớn, hầu như tỉnh nào cũng có. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong việc thực hiện để người dân ở khu vực này yên tâm có nước ngọt?

Khả năng dự báo của Việt Nam đã tiệm cận các nước trong khu vực

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún bờ sông ở ĐBSCL. Một là vùng này được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ so với các đồng bằng khác. Theo hệ thống giám sát, quan sát thì vùng này vẫn tự sụt lún.

Các nguyên nhân còn lại là do lượng phù sa giảm rất lớn; lấn chiếm bờ sông để xây dựng, nuôi trồng; và đặc biệt là khai thác cát trái phép, quá công suất. Nhiều địa phương báo cáo là có tình trạng người dân dùng vòi rồng để khai thác cát khiến sụt lún tăng cao.

Để khắc phục và giảm thiểu tối đa tình trạng trên, Bộ TN&MT đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực ĐBSCL để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng như thế nào.

Mặt khác hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư, những vùng có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Những nơi nào có nguy cơ cao về sạt lở thì phải bố trí lại dân cư. Ngoài ra, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ thêm, Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo. Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cấp trang thiết bị, cùng tổ chức quốc tế đào tạo nhân lực để tăng khả năng dự báo. "Khả năng dự báo của Việt Nam đã tiệm cận các nước trong khu vực, dự báo chính xác, đóng vai trò quan trọng trong chuẩn bị ứng phó,” ông nói.

Theo Bộ trưởng, với hạn hán tại ĐBSCL, Bộ TN&MT đã cung cấp thông tin giúp các địa phương điều chỉnh thời gian vụ mùa nông nghiệp để không bị mặn. Bộ cung cấp các bản tin thủy văn về nhiễm mặn, cảnh báo sạt lở theo giai đoạn 10 ngày, 30 ngày, theo mùa.

Về việc triển khai hồ chứa nước ngọt tại các tỉnh ĐBSCL, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNN.

Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng TN&MT, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân ở khu vực ĐBSCL. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã có chuyến thị sát và giao Bộ NN&PTNT trình đề án tổng thể về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ở ĐBSCL.

Dự kiến đến tháng 9 tới Bộ sẽ trình đề án. Bộ cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và TP HCM; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh ĐBSCL nghe thêm ý kiến.

Về tài nguyên nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thế giới đang ở kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu, không riêng gì Việt Nam, trong đó Việt Nam lại là quốc gia bị tổn thương nhất. Theo Bộ trưởng, tiếp cận vấn đề nước phải tiếp cận ba chủ thể: Số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó, cách thức sử dụng nguồn nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước.

“Chúng ta thường nghĩ nước là vô hạn, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức chúng ta khai thác, sử dụng, đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước. Chúng ta cũng cần có ‘tuyên ngôn’ với bà con nông dân cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận ngắn hạn, vừa dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt…,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tiết kiệm nước còn liên quan đến phát thải khí nhà kính. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm nước hơn với khoa học công nghệ sẽ làm giảm phát thải. Bộ trưởng cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ đề án Chính phủ đã phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) mong có giải pháp ổn định môi trường sống vùng ĐBSCL.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) mong có giải pháp ổn định môi trường sống vùng ĐBSCL.

Về hồ chứa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần phải xem xét thận trọng, bởi không phải dễ để sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước ở một địa phương nào đó để phục vụ cho địa phương khác, nhất là địa hình bằng phẳng, không có độ dốc. Theo ông, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong tiếp cận nguồn nước.

“Trà Vinh cũng là nằm cuối nguồn, cũng là xâm nhập biển nhưng gần như tỉnh không bị ảnh hưởng bởi vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Giải pháp của tỉnh là khơi thông tất cả các luồng lạch, kênh, mương, rạch tự nhiên... Nếu chúng ta có giải pháp tiếp cận từ dưới lên, từ hộ gia đình đến cộng đồng dân cư có cách trữ nước riêng thì nguồn lực đầu tư Nhà nước sẽ giảm đi,” Bộ trưởng nêu ý kiến.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hai-bo-truong-chia-lua-giai-dap-nhung-van-de-nong-ve-moi-truong-dbscl-post35343.html
Zalo