Hạ viện Anh thông qua dự luật hợp pháp hóa trợ tử
Các nhà lập pháp đã thực hiện bước đi lịch sử hướng tới hợp pháp hóa trợ tử ở Anh và xứ Wales khi ủng hộ một dự luật trao cho người bệnh giai đoạn cuối quyền được kết thúc cuộc sống.
Những người vận động ủng hộ dự luật dành cho người trưởng thành mắc bệnh giai đoạn cuối nhận định, đây là động thái quan trọng hướng tới việc giúp người bệnh có thêm quyền lựa chọn.
Do Nghị sĩ Đảng Lao động Kim Leadbeater khởi xướng, dự luật sẽ trao cho những người trưởng thành mắc bệnh nan y chỉ còn thời gian sống dưới 6 tháng quyền được trợ tử. Tuy nhiên, yêu cầu của bệnh nhân chỉ được tiến hành nếu nhận được sự chấp thuận của 2 bác sĩ và 1 thẩm phán tòa án tối cao.
Theo truyền thông Anh, dự luật đã được Hạ viện thông qua ngày 29-11 với 330 phiếu thuận và 275 phiếu chống. Sau sự ủng hộ từ Hạ viện, dự luật vẫn cần trải qua nhiều quy trình pháp lý có thể kéo dài thêm ít nhất 3 năm trước khi chính thức trở thành luật.
Trước mắt, dự luật trợ tử lịch sử cần vượt qua hàng loạt rào cản tại Quốc hội và sẽ không được đệ trình cho đến tháng 4-2025. Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Anh dự kiến chỉ định một bộ trưởng hỗ trợ soạn thảo dự luật. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu lại về vấn đề này. Nếu trở thành luật, thời gian để triển khai là 2 năm.
Cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên về dự luật trợ tử trong gần 1 thập kỷ, đã gây ra sự chia rẽ trong các đảng phái chính trị và nội các. Những người bỏ phiếu chống bao gồm Phó thủ tướng Angela Rayner, Bộ trưởng Y tế Wes Streeting, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Ed Davey và lãnh đạo đảng Cải cách Nigel Farage…
Những người phản đối cho rằng, dự luật sẽ thay đổi mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, đồng thời nhận định, dự luật đã được thông qua vội vã và các biện pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương là chưa đủ do họ có nguy cơ bị ép buộc, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp, phải kết thúc cuộc sống để không trở thành gánh nặng.
Hiện nay, trợ tử vẫn bị cấm ở Anh và xứ Wales. Việc cố tình giúp một người kết thúc cuộc sống có thể dẫn đến án phạt 14 năm tù. Tại châu Âu, chỉ một số quốc gia như Thụy Sĩ, Áo hoặc Bỉ đã hợp pháp hóa trợ tử. Ở Mỹ, vấn đề này cũng được coi là hợp pháp tại 10 bang.
Năm 2015 là lần gần nhất dự luật trợ tử được trình lên Hạ viện. Vào thời điểm đó, các nhà lập pháp đã bác bỏ dự luật này với 330 phiếu thuận và 118 phiếu chống.