Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu có 35.000 doanh nghiệp

Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2045 có ít nhất 35.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 65% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành Chương trình hành động thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả.

Chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó nổi bật là: phấn đấu Hà Tĩnh có khoảng 18.000–20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tương đương 13–15 doanh nghiệp/1.000 dân; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tư nhân đạt 10–12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh; đóng góp khoảng 60–65%; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 60–65% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 84–85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân từ 8,5–9,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Tĩnh xác định kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh, chủ động hội nhập, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất – cung ứng quốc gia và quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2045 có ít nhất 35.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp trên 65% Tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh, trở thành trụ cột chủ lực của nền kinh tế.

Chương trình hành động xác định 8 nhóm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tin và tạo khí thế mới trong toàn xã hội.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho khu vực tư nhân.

Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 97% là doanh nghiệp tư nhân, cùng với hơn 53.000 hộ sản xuất – kinh doanh. Lực lượng này đang giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế tỉnh, tham gia vào nhiều lĩnh vực sản xuất đa dạng như thủ công mỹ nghệ, chế biến nông – lâm – thủy sản, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và công nghiệp nông thôn.

Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nắm bắt thực trạng, kịp thời tham mưu giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

Song song, đơn vị sẽ hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm địa phương.

Cùng với đó, tỉnh còn tăng cường thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia đầu tư vào các ngành hàng thế mạnh của tỉnh như hải sản, nông sản, hàng may mặc và sản phẩm thủ công.

Ngành ngân hàng tại Hà Tĩnh cũng đang tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân bằng cách đẩy mạnh cho vay các dự án đầu tư – sản xuất – kinh doanh.

Ước tính đến ngày 31/7/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 121.020 tỷ đồng, tăng trưởng 11,1% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất và mở rộng đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ha-tinh-huong-toi-muc-tieu-co-35-000-doanh-nghiep.htm
Zalo