Hà Tĩnh: Đình chỉ hoạt động khai thác phi lao trên rừng phòng hộ ven biển
Người dân xã Thạch Khê (Hà Tĩnh) trồng phi lao trên đất rừng phòng hộ ven biển do UBND xã quản lý sau đó khai thác để tăng thu nhập. Lực lượng kiểm lâm địa phương đã đình chỉ các hộ gia đình khai thác không đúng quy định.

Những ngày gần đây, một số hộ dân ở thôn Bắc Hải (xã Thạch Hải, TP Hà Tĩnh cũ, nay là xã Thạch Khê) tổ chức khai thác cây phi lao trên đất quy hoạch rừng phòng hộ chắn sóng. Ảnh: HN.


Ghi nhận của PV vào ngày 2/7, ngay cạnh tuyến đường ven biển hướng lên khu du lịch Quỳnh Viên, một khoảnh đất trồng cây phi lao vừa mới khai thác, hàng trăm cây phi lao cao lớn bị cưa hạ ngổn ngang, chỉ còn trơ lại gốc. Nhựa cây vẫn còn tươi cho thấy cây vừa bị chặt cách đây không lâu. Ảnh: HN.

Cây sau khi bị cưa được phân thành từng khúc, một số được gom lại, chất thành đống bên lề đường. Một số khúc gỗ chưa kịp vận chuyển ra đường chính, nằm la liệt trên bờ biển. Cành cây cũng được người dân gom lại từng đống gọn gàng. Ảnh: HN.

Cách địa điểm này vài trăm mét, khoảnh đất rừng phòng hộ ven biển khác cũng đã bị chặt hạ. Đây hầu hết là những cây phi lao trên hàng chục năm tuổi, nhiều cây có đường kính từ 20 - 35cm. Ảnh: HN.

Dọc tuyến đường ven biển qua thôn Bắc Hải, Nam Hải của xã Thạch Khê, từng khoảnh đất nhỏ được người dân trồng phi lao, bạch đàn, keo tràm xen kẻ. Có nơi cây cao lớn, xanh tốt, có nơi cây còn thấp nhỏ. Lởm chởm một số mảnh đất trống, mặt đất chi chít gốc cây đã bị cưa hạ thân cây từ lâu. Ảnh: HN.

Trao đổi với PV Đại đoàn kết, ông Hoàng Đình Ngôn, Trưởng thôn Bắc Hải cho biết: Khu vực rừng phi lao ven biển này do người dân phở hoang rồi trồng cây cách đây hàng chục năm, đời cha truyền lại cho đời con, cứ như thế kéo dài đến nay. Hầu hết các hộ dân trong thôn, mỗi hộ đều chiếm một miếng nhỏ để trồng cây phi lao. Khi đến kỳ thu hoạch, dân khai thác để bán rồi tiếp tục trồng lứa mới thay thế. Ảnh: HN.

“Giờ nghe thông tin dân không được chặt bán cây họ tự trồng nữa vì đây là đất rừng phòng hộ nên mọi người hết sức băn khoăn. Nếu không được khai thác nữa, người dân mong muốn có chế độ hỗ trợ tiền mua giống, công trồng, chăm sóc, bảo vệ cây rừng để xứng đáng với công sức họ bỏ ra hàng chục năm qua”, ông Hoàng Đình Ngôn nói. Ảnh: HN.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế, xã Thạch Khê, sau khi phát hiện việc người dân thôn Bắc Hải khai thác phi lao trên đất rừng phòng hộ ven biển, địa phương đã cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ sự việc. Ảnh: HN.

Trước mắt, địa phương đề xuất phương án đình chỉ hoạt động khai thác cây rừng không đúng quy định. Về lâu dài sẽ rà soát lại toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển và có phương án đề xuất cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao khoán, hoặc có chế độ chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ảnh: HN.

Theo báo cáo của Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, vào các ngày 24 và 30/6/2025, đơn vị phối hợp với UBND xã Thạch Hải, Công an xã Thạch Hải (cũ) tuần tra, kiểm tra, phát hiện 2 hộ dân khai thác cây phi lao tại vị trí có tọa độ (548389-2038142) thuộc khoảnh 6A, tiểu Khu 283, xã Thạch Hải và vị trí có tọa độ (547088; 2040337) thuộc khoảnh 3, tiểu khu 283, xã Thạch Hải. Ảnh: HN.

Qua đó phát hiện số lâm sản bị khai thác khoảng 135 cây phi lao, trong đó 100 cây đường kính gốc từ 5cm-20cm, 35 cây đường kính gốc từ 21cm -30cm. Loại rừng là rừng trồng, quy hoạch phòng hộ chắn cát. Chủ quản lý là UBND xã Thạch Hải. Ảnh: HN.

Số cây bị khai thác trên được 2 hộ dân tự bỏ vốn trồng, chăm sóc, bảo vệ từ những năm 1990 (hộ ông Nguyễn Văn Thành, thôn Nam Hải và hộ bà Trần Thị Luyến, thôn Bắc Hải) bán cho 2 người ở địa phương khác. Ảnh: HN.

Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng đã phối hợp chính quyền địa phương, Công an xã xã Thạch Hải lập biên bản đình chỉ việc chặt hạ cây, tạm giữ lâm sản để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: HN.

Lãnh đạo Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, do yếu tố lịch sử để lại trong công tác quản lý đất rừng, trước đây vào những năm 1990, dãy đất ven biển xã Thạch Hải (cũ) là đất trống nên UBND xã vận động một số hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng trên đất lâm nghiệp tại những khu vực đất trống, chưa có rừng do UBND xã quản lý, gồm các loài cây phi lao, bạch đàn, keo tràm,… Thời gian này, các hộ gia đình có nhu cầu khai thác cây đã trồng để tăng thu nhập. Ảnh: HN.