Hà Nội truy thu nợ hàng nghìn mét vuông diện tích nhà cho thuê khó đòi

Hà Nội hiện còn 800 tỷ đồng nợ đọng từ các quỹ nhà cho thuê. Đối với các khoản nợ xấu khó đòi và khả năng thu hồi thấp do vướng mắc về cơ chế, chính sách, sẽ tập trung lập hồ sơ đấu giá quyền thuê.

Hôm nay (11/12), HĐND thành phố Hà Nội dành trọn một ngày thực hiện hoạt động tái chất vấn và chất vấn.

Một nội dung quan trọng được các đại biểu HĐND quan tâm đề nghị làm rõ là số nợ hơn 1.000 tỷ đồng đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố Hà Nội hiện khả năng thu nợ rất thấp, nguy cơ xảy ra thất thoát nguồn thu vào ngân sách nhà nước nếu không quản lý tốt. Các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý quỹ nhà này; đề nghị làm rõ diện tích kinh doanh trong quỹ nhà của thành phố còn trống chưa cho thuê là 15.722 m2 đã được nêu trong giám sát của HĐND thành phố Hà Nội năm 2022 đến nay đã được UBND thành phố Hà Nội đưa vào phương án khai thác kinh doanh hay chưa? còn lại bao nhiêu diện tích chưa cho thuê để tránh lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công.

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tái chất vấn về các vấn đề liên quan đến nợ nhà cho thuê

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tái chất vấn về các vấn đề liên quan đến nợ nhà cho thuê

Hơn 800 tỷ đồng nợ tồn đọng từ các quỹ nhà cho thuê

Về quá trình thu nợ 2 năm qua, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, tổng số nợ phải thu qua các quỹ nhà là 1.112 tỷ đồng. Tổng số thu theo báo cáo đến tháng 6/2024 thu được 227 tỷ đồng, số còn nợ hơn 800 tỷ đồng. Sau phiên giám sát của HĐND thành phố Hà Nội năm 2022, đơn vị đã xác định số lượng phải thu nợ tập trung vào 9 nội dung cụ thể thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Đến nay vẫn còn một số vướng mắc khó khăn như số lượng nợ lớn tập trung vào quỹ nhà ở chuyên dùng, tổng số còn phải thu là 356 tỷ/415 tỷ đồng. Quỹ nhà tạm cư phục vụ các dự án cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở nguy hiểm còn một số vướng do cơ chế chính sách của chủ đầu tư, một số chưa xác nhận được chủ đầu tư.

Ông Dũng cho biết, trách nhiệm của công ty với số lượng thu nợ rất lớn, đặc biệt với số lượng lớn nhà chuyên dùng, trong số gần 800 điểm quản lý của công ty phải thực hiện giải pháp thu nợ. Theo ông Dũng hiện nay các điểm có vi phạm rất lớn cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ. “Khoản nợ tập trung lớn nhất tại khối hành chính sự nghiệp, riêng Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội nợ gần 80 tỷ đồng (tính lũy kế từ năm 2022 thêm hơn chục tỷ nữa, cần cơ chế chính sách giải quyết”, ông Dũng nêu.

"Đến nay tất cả trường hợp nợ luân chuyển, nợ đọng, công ty đã phối hợp với các đợn vị để xử lý. Về cơ bản nợ luân chuyển đã thu hết, nợ khó đòi cần tập trung vào xử lý cơ chế chính sách”, ông Dũng nói.

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, liên quan đến quỹ nhà chuyên dùng và quỹ nhà tầng 1 thuộc các nhà tái định cư và nhà thương mại, trong quá trình rà soát các khoản nợ, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã phân loại thành 3 loại nợ chính là: nợ luân chuyển có khả năng thu hồi; nợ khó thu và nợ xấu khó đòi, khả năng thu hồi thấp để báo cáo Thành phố chấp thuận các giải pháp triển khai.

Với nợ luân chuyển, thời gian qua các tổ chức, cá nhân sử dụng nhà kinh doanh không hiệu quả nên có việc quý sau trả tiền quý trước hoặc có nợ tiền thuê nhà có văn bản đề nghị cơ quan nhà nước cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà chuyên dùng, nhà ở cũ. “Khả năng thu hồi toàn bộ số tiền này là có khả năng. Hiện đang thành lập các tổ để đôn đốc thu tiền thuê nhà”, ông Phong khẳng định. Đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ tài chính cũng đã có quyết định thu hồi. Thành phố ban hành 33 quyết định để thu hồi các quyết định quỹ nhà các đơn vị vi phạm chây ỳ.

Đối với nợ khó thu do các hợp đồng hết hạn và chưa tiếp tục ký lại. Hằng năm công ty vẫn lấy giá nhà thuê cũ, hợp đồng cũ để tính tiền và yêu cầu các hộ phải trả tiền. Đây là phát sinh nợ đọng của các đơn vị thuê. Các đơn vị chây ỳ nợ đọng cũng có phương án thu hồi lập hồ sơ đề nghị thành phố ban hành quyết định thu hồi. Vừa qua đã thu hồi được hàng chục nghìn m2 ở tầng 1 chung cư, tái định cư và nhà thương mại.

Đối với nợ xấu khó đòi, khả năng thu hồi thấp, theo lãnh đạo Sở Xây dựng do vướng mắc về cơ chế chính sách. Sở Xây dựng thống nhất với ý kiến của Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội. “Hiện nay Nghị định 108 đã tháo gỡ gần như triệt để khó khăn của quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không dùng để ở đưa vào sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lập hồ sơ đấu giá quyền thuê đối với diện tích này”, ông Phong cho biết.

Đối với diện tích trước đây hộ dân tự vào ở do Công ty quản lý và phát triển nhà tự bố trí. Sau khi đề án tài sản công được ban hành, phía công ty nhà đã tập trung trong việc thu hồi căn hộ và thu hồi tiền. Hiện nay có 140 căn, trong đó 100 căn chuyển hồ sơ sang công an thành phố, còn lại 40 căn chính chủ ở nên đang vận động tuyên truyền thu hồi.

Về các diện tích kinh doanh dịch vụ của các chung cư tái định cư còn hơn 15.722 m2 hiện đang để trống, ông Phong cho biết, tháng 6/2024, Công ty nhà đã được giao dự toán lập giá làm cơ sở xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền thuê, dự kiến tháng 12/2024 đến tháng 1/2025 hoàn thành việc đấu giá.

Bổ sung vấn đề đối với số tiền nợ hơn 1.000 tỷ đồng, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ và phê duyệt kế hoạch thu hồi nợ , đồng thời có những giải pháp mạnh mẽ để cưỡng chế các chủ thuê nhà, đối với các đơn vị sự nghiệp phải bố trí ngân sách trả nợ, đơn vị Trung ương phải có văn bản kiến nghị Bộ, ngành Trung ương để giải quyết dứt điểm.

Đối với diện tích nhà tầng 1, ông Lưu cho biết, từ năm 2022, Sở Xây dựng đã triển khai công tác đấu thầu 59 điểm với 9.000m2/15.722m2 nhưng chỉ đấu thầu được 8 điểm với 917 m2, đạt 10%. Nguyên nhân do giai đoạn này có dịch Covid, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển từ thuê cửa hàng sang kinh doanh online “nhà mặt phố không cho thuê được huống gì tầng 1 ở các khu tái định cư”. Địa điểm cho thuê ở các tầng 1 không hấp dẫn. Công năng kinh doanh không đa dạng nên đấu giá khó khăn. Dự kiến trong tháng 12/2024 và tháng 1/2025 sẽ tổ chức đấu thầu 14.000m2 còn lại.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết thêm: Thành phố có đề án rất quan trọng quản lý tài sản công, phân công cụ thể, có lộ trình, trong đó giao các đơn vị tham mưu thành phố để báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác. Đây là căn cứ quan trọng để xử lý tồn tại với quỹ nhà đặc thù này của Hà Nội.

“UBND thành phố Hà Nội thống nhất cao với đề xuất của Sở Tài chính, với các tòa nhà còn thiếu thiết chế văn hóa, sinh hoạt công cộng, sẽ bàn giao phần diện tích này để làm thư viện, khu vui chơi... Những nơi đã có đầy đủ thiết chế văn hóa, phần diện tích này sẽ được chuyển sang đấu thầu”- ông Hải nói.

H.La/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-truy-thu-no-hang-nghin-met-vuong-dien-tich-nha-cho-thue-kho-doi-post1141314.vov
Zalo