Hà Nội: Tăng độ phủ xe buýt trong vành đai 1
Để tăng độ phủ của xe buýt trong khu vực Vành đai 1 (Hà Nội) tiến tới không cho lưu thông xe máy xăng trong khu vực, Sở Xây dựng TP Hà Nội đang nghiên cứu loại hình xe buýt mini từ 8 - 10 - 12 chỗ để tăng độ tiếp cận đến người dân.
Đưa xe buýt mini vào hoạt động
PGS, TS. Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các nhà khoa học của Anh quốc cho thấy, ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện. Vào ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chủ yếu; ban đêm, xe tải hạng nặng lại chiếm đa số. Lượng phát thải này cũng biến động theo mùa trong năm.

Hà Nội đang tập trung vào xe buýt điện để phát triển hệ thống giao thông công cộng. Ảnh: Quang Vinh
Đáng chú ý, xe máy - phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm cao hơn so với ô tô.
Dựa trên bản đồ phát thải được xây dựng, khu vực vành đai 1 hiện có mật độ phát thải cao nhất do hệ thống giao thông dày đặc và nhiều điểm giao cắt. Trong khi đó, vành đai 2 và 3 dù có mức phát thải thấp hơn nhưng lại dễ khuếch tán ô nhiễm ra diện rộng do điều kiện không gian mở hơn.
Giới chuyên gia cũng nhận định, việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35 - 40% lượng khí CO và HC (lượng hydrocarbon), đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.
Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư (Sở Xây dựng TP Hà Nội) cho biết, để tăng độ phủ của xe buýt trong khu vực Vành đai 1, Sở Xây dựng đang nghiên cứu loại hình xe buýt mini từ 8 - 10 - 12 chỗ để tăng độ tiếp cận đến người dân. Hướng tới mục tiêu vận tải khách công cộng sẽ phục vụ tốt hơn, tăng tỷ lệ phủ và người dân sẽ chuyển dần từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng.
Theo ông Thành, hiện Hà Nội có khoảng 1.000 trụ sạc các loại, trong đó có 3 loại: Trụ sạc cho xe công cộng, trụ sạc cho ô tô và trụ sạc của xe máy, xe đạp điện.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu rà soát, quy hoạch trạm sạc điện rõ ràng. Từ quy hoạch, doanh nghiệp, nhà đầu tư mới biết đâu để đầu tư trụ sạc. Do đó, Hà Nội đang rà soát tổng thể các vị trí bến bãi đỗ xe trong Vành đai 1 để lắp các trụ sạc. Người dân từ nơi khác đến có thể gửi xe, sạc, di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Cần phát triển hệ thống kết nối
Hà Nội sẽ không chỉ loại bỏ xe máy xăng mà còn hạn chế ô tô cá nhân vào vùng lõi bằng cách tăng phí. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ chuyển toàn bộ xe buýt sang sử dụng điện hoặc khí sạch từ nay đến năm 2030, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt công trình xây dựng vi phạm.
Ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tập trung chuyển đổi xanh đối với phương tiện giao thông cá nhân của người dân. Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng đang nghiên cứu cơ chế chính sách để triển khai thực hiện theo Điều 28 Luật Thủ đô, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. Với chính sách này thành phố sẽ tập trung vào các cơ chế hỗ trợ qua nhiều hình thức như trực tiếp bằng tiền hay gián tiếp thông qua chính sách phí, lệ phí.
“Bên cạnh đó thành phố đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện xanh. Với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện công cộng thì sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất vay để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, hoặc chính sách liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh, nhằm giải quyết vấn đề lo ngại về trạm sạc. Vấn đề này chúng tôi đặt lên hàng đầu vì muốn phát triển giao thông xanh thì đáp ứng về hạ tầng là rất quan trọng" - ông Long thông tin.
Trên cơ sở yêu cầu đặt ra, thời gian tới, Hà Nội sẽ có giải pháp về vận tải công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân để người dân hạn chế sử dụng xe máy. Việc kết nối các phương tiện và các loại hình vận tải cũng đang được tính toán.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, lượng hành khách đi tàu điện đang tăng đều qua từng năm. Thành phố cần phát triển hệ thống kết nối linh hoạt như xe buýt điện mini và hỗ trợ các loại xe điện cá nhân dưới 30km/giờ để giúp người dân giảm phụ thuộc vào xe máy xăng.