Hà Nội tặng danh hiệu 'Người tốt-việc tốt' cho 25 cá nhân: Lan tỏa để trở thành nét văn hóa tiêu biểu
Phong trào 'Người tốt-việc tốt' đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nét văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, lịch sự.
Cách đây 76 năm (ngày 11/6/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc", chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Từ “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lời dạy của Người “Mỗi người tốt-việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên cả nước, trong đó có Thành phố Hà Nội đã không ngừng nỗ lực thi đua tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua ái quốc trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát giao thông giúp người già qua đường, những công nhân vệ sinh môi trường không quản vất vả ngày đêm dọn rác cho thành phố hay những em nhỏ nhặt được của rơi trả người đánh mất đã trở thành những hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô, là biểu tượng của tinh thần cống hiến, tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Những hình ảnh này cũng góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô, tạo thành thói quen, nếp sống đẹp của Hà Nội, truyền cảm hứng cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Có thể nói, bằng những đóng góp của mình, phong trào “Người tốt-việc tốt” cũng đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Thủ đô.
Ghi nhận những đóng góp này của các công dân tiêu biểu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký ban hành Quyết định số 6243/QĐ-UBND về việc tặng danh hiệu "Người tốt-việc tốt” cho 25 cá nhân.
Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, nhằm biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng nhiều gương điển hình tiên tiến với nhiều nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, đóng góp cho cộng đồng và xã hội; góp phần gìn giữ, vun đắp những giá trị truyền thống cao quý và nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trong chặng đường 70 năm kể từ ngày giải phóng Thủ đô đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội với khát vọng xây dựng Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô đang quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng Thủ đô "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại".
Trong đó, việc đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Người tốt-việc tốt” là một trong những việc làm hết sức quan trọng để giữ gìn văn hóa truyền thống, tiếp tục giữ vững vị trí thành phố đáng sống của Thủ đô Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong năm 2025, phong trào thi đua “Người tốt-việc tốt” của Hà Nội sẽ tập trung vào 5 nội dung trọng tâm. Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước và các thành tựu nổi bật của Thủ đô, đất nước. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, công chức và người dân, để tinh thần “Người tốt-việc tốt” lan tỏa sâu rộng, trở thành nét văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Người tốt-việc tốt”; quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua trong các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, giáo dục, y tế và xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.
Với những hoạt động tích cực thời gian qua, tất cả đều vọng rằng, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt-việc tốt” sẽ ngày càng gia tăng, có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội vươn lên mạnh mẽ, lập nhiều thành tích xuất sắc, làm cho vườn hoa “Người tốt-việc tốt” của Thủ đô ngày càng phát triển giàu mạnh.
Và không chỉ có 25 cá nhân được thành phố tặng danh hiệu, những người dân khác đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô cũng cần có ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, đóng góp thêm nhiều gương người tốt, việc tốt cho cộng đồng xã hội. Để từ đó, đưa hình ảnh một Hà Nội hiện đại, văn minh, lịch sự, giàu truyền thống văn hóa đến với bạn bè quốc tế.