Hà Nội sẽ đẩy mạnh rà soát lại thẩm quyền, chức năng của từng sở, ngành

Sáng 3/7, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề thực thi công vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh rà soát lại toàn bộ thẩm quyền, chức năng của từng sở, ngành

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị rất quan trọng

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trả lời vấn đề đại biểu đặt ra liên quan đến cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, với tinh thần quyết tâm cao, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy trong việc nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 24 -CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức giám sát, tăng cường kiểm tra…

Kết quả giai đoạn vừa qua được thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Các năm từ 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Thủ đô phát triển; nhiều nội dung lớn, mới được hoàn thành như: Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng đồ án Quy hoạch chung Thủ đô, triển khai Vành đai 4… "Đây là những việc mới, việc khó nhưng rõ ràng với tinh thần cải cách hành chính, tinh thần đổi mới chúng ta đã đong đếm bằng kết quả cụ thể"- Phó Chủ tịch UBND TP nhận định.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBDN TP cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, trong đó có các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, quản trị hành chính công tụt hạng. TP đã họp, phân tích 6 chỉ số; yêu cầu đánh giá từng chỉ số thành phần. Theo đó, có nhiều chỉ số tăng nhưng tăng chậm hơn so với các địa phương khác, có chỉ số giảm. Nguyên nhân cần thiết phải đánh giá rất rõ là lý do tại sao lại có có những chỉ số lại giảm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trả lời tại phiên chất vấn, sáng 3/7.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trả lời tại phiên chất vấn, sáng 3/7.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, quan điểm chỉ đạo của TP là phải đo lường, đo đếm được kết quả cụ thể, hướng tới không phải chỉ cuối năm mới xác định chỉ số mà từng chỉ số thành phần nếu có thể đo đếm được theo tuần, theo tháng, cũng có thể làm. Cách làm này của TP để từng đơn vị, sở ngành, địa phương nhìn thấy mình đang đứng ở đâu, so sánh với các đơn vị khác để phấn đấu.

TP sẽ đẩy mạnh rà soát lại toàn bộ thẩm quyền, chức năng của từng sở, ngành; ban hành quy chế, quy trình đặc biệt là quy trình liên thông. Cùng với đó, đẩy mạnh minh bạch thông qua chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, để xây dựng chính quyền số, nhằm công khai, minh bạch, đồng thời giúp cho cán bộ trong triển khai nhiệm vụ.

Về các vấn đề tồn tại trong cải cách hành chính, thực thi công vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là con người. Ở đây có vấn đề kiến thức, năng lực, kỹ năng, thái độ, tinh thần khi làm việc. TP hiện xác định phương châm làm việc “3 nguyên tắc, 7 phấn đấu”. Theo đó, nguyên tắc làm việc ngoài thượng tôn pháp luật phải luôn luôn lắng nghe. Nếu chúng ta làm bằng trái tim thì niềm tin của người dân với hệ thống chính trị sẽ ngày một tốt lên.

Liên quan đến quy chế phối hợp giữa các đơn vị của TP trong thực thi công vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhận định, quy chế phối hợp ngày càng tốt hơn, tuy nhiên, với đánh giá của đại biểu HĐND vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Từ đó cho biết, có thể chia ra 2 nhóm nguyên nhân, khách quan có 4 vấn đề và chủ quan có 6 vấn đề. Đối với nhóm nguyên nhân có 4 vấn đề khi triển khai gồm: cơ chế chính sách TTHC còn nhiều khâu rờm rà và cần cắt giảm chung trong hệ thống; khối lượng công việc rất lớn và có nhiều nội dung mới; thời gian yêu cầu rất ngắn; yêu cầu HĐND đòi hỏi chất lượng rất cao.

Đối với vấn đề 6 nguyên nhân chủ quan, việc chuẩn bị của đơn vị chủ trì, tính chủ động và chất lượng báo cáo còn vấn đề. Quy trình thủ tục tổ chức họp còn nhiều bước rườm rà. Đối với nội dung này, cần nghiên cứu để giảm các thẩm quyền tập thể và tăng thẩm quyền cá nhân. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quá trình triển khai thực hiện để giảm tầng nấc chung gian.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp

Các đại biểu tham dự Kỳ họp

Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, đối với trách nhiệm người đứng đầu, qua theo dõi cho thấy, nếu đơn vị nào người đứng đầu có trách nhiệm, khi thấy khó khăn giải quyết ngay thì công việc được giải quyết kịp thời và ngược lại. Vì vậy, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng. Do việc, việc chọn đúng người để giải quyết công việc có ý nghĩa rất quan trọng.

Còn đối với vấn đề chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng chung văn phòng điện tử và giữ liệu dùng chung để có phân tích, đánh giá phục vụ cho công tác chỉ đạo chung của hệ thống và cắt giảm được các bước trung gian.

Tránh tình trạng “gặp trưởng, phó phòng khó hơn gặp giám đốc”

Nêu ý kiến tại phiên chất vấn, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo (tổ đại biểu quận Long Biên) cho rằng, chỉ số rất đáng quan tâm và cần khích lệ là Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội - đang đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Thời gian qua, TP tập trung thực hiện rất nhiều giải pháp về cải cách hành chính như ban hành các quy trình, quy chế, quy định và đặc biệt là phân cấp, ủy quyền. “Tôi cho rằng đây là nỗ lực đáng ghi nhận của thành phố”- đại biểu nói.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu ý kiến tại phiên chất vấn

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu ý kiến tại phiên chất vấn

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cũng cho biết, TP tập trung đào tạo cán bộ theo vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. Cán bộ trên địa bàn thành phố hiện có 2 nhóm, trong đó có nhóm thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP rất quan tâm đến cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. "Chưa hết nhiệm kỳ, thành phố đã thay thế 3 giám đốc sở, trưởng các ngành chủ chốt. Đối với cấp huyện, thành phố đã thay thế, chuyển đổi 6 chủ tịch UBND huyện. Đến nay, 6 địa phương này đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là khâu giải quyết thủ tục hành chính"- Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy thông tin.

Đại biểu Vũ Đức Bảo cũng cho rằng, vấn đề còn lại là trách nhiệm của các cơ quan tham mưu chuyên môn, bao gồm người đứng đầu các sở, ngành. “Khi tham gia thanh tra công vụ, có dự án đến 884 ngày mới trả lời văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi kiểm tra, văn bản không nằm ở UBND TP, Sở mà nằm ở trưởng, phó phòng cấp huyện. Đây là cốt lõi vấn đề cần xem xét tại phiên chất vấn hôm nay”- đại biểu nói.

Đồng thời cho biết, thực tế đặt ra phải thay thế một số chuyên viên, trưởng, phó phòng làm việc không hiệu quả, đùn đẩy, né tránh.

“Tôi đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, địa phương kiểm soát công việc của mình theo trách nhiệm; cần quan tâm, đôn đốc đội ngũ trưởng, phó phòng, cán bộ tham mưu, tránh xảy ra tình trạng như doanh nghiệp đã phản ánh “gặp trưởng, phó phòng khó hơn gặp giám đốc”- đại biểu nói. Đồng thời cho rằng, chủ tịch các quận, huyện cần xác định trách nhiệm trong đôn đốc, kiểm soát công việc và trong quản lý cán bộ cấp dưới.

Nhóm PVTS

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-se-day-manh-ra-soat-lai-tham-quyen-chuc-nang-cua-tung-so-nganh.html
Zalo