Hà Nội quyết liệt 'khai tử' xe máy xăng theo lộ trình thế nào?

TP. Hà Nội tăng năng lực giao thông công cộng và hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện khi cấm xe máy xăng trong khu vực vành đai 1.

Ô nhiễm môi trường đô thị gia tăng, đòi hỏi giải pháp đồng bộ

Tại tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/7, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân. Trong quá trình phát triển, thành phố xác định rõ mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại, trong đó có yêu cầu bảo đảm môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp".

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức đáng báo động, đe dọa trực tiếp đến chất lượng sống và sức khỏe cộng đồng. Đây là thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững của Hà Nội.

Ô nhiễm không khí ở khu vực Trung Hòa (Hà Nội) thời điểm đầu năm 2025. Ảnh: Thanh Hải

Ô nhiễm không khí ở khu vực Trung Hòa (Hà Nội) thời điểm đầu năm 2025. Ảnh: Thanh Hải

Thành phố đã có những nỗ lực nhất định nhằm giảm thiểu ô nhiễm, từ tăng cường kiểm soát chất lượng không khí, quy hoạch đô thị xanh, áp dụng công nghệ xử lý môi trường đến nâng cao nhận thức cộng đồng. Dù vậy, kết quả vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, bởi ô nhiễm vẫn diễn biến phức tạp.

Nhiều dòng sông đô thị như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy, Tích đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thành phố đang triển khai chương trình phục hồi môi trường nước tại các dòng sông này. Song song đó là hệ thống nhà máy đốt rác phát điện, thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại được kiểm soát chặt, đặc biệt tại khu vực trung tâm.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt tại các khu vực có mật độ cao. Trong khi đó, xu hướng các đô thị hiện đại là chuyển sang sử dụng phương tiện xanh như xe điện, phương tiện dùng khí sạch.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho hay, Hà Nội có khoảng 8,5 triệu dân, sở hữu hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân, gồm 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Riêng vành đai 1 có tới 450.000 xe máy, trong khi dân số thường trú chỉ 600.000 người. Khoảng 70% phương tiện là xe cũ, không đạt chuẩn khí thải, khiến việc kiểm soát ô nhiễm trở nên khó khăn.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 ngày 2/7/2025 đề cập các nhóm nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ cần kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân.

Theo đó, vùng phát thải thấp là khu vực kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm, được phân tầng theo vành đai 1, vành đai 2, 3, 4, 5. Trong khu vực này, chỉ xe đạt chuẩn khí thải hoặc sử dụng nhiên liệu sạch mới được phép hoạt động. Các phương tiện chạy xăng, dầu sẽ dần bị hạn chế.

Chỉ thị 20 cũng quy định rõ các mốc thời gian: từ 1/7/2026, ngừng lưu hành xe máy chạy xăng dầu trong vùng phát thải thấp; từ 1/1/2028, tiếp tục hạn chế ô tô cá nhân trong các khung giờ, ngày cụ thể. Đến năm 2030, thành phố sẽ đánh giá để mở rộng giai đoạn tiếp theo.

Về hạ tầng, Hà Nội đầu tư xây dựng mạng lưới trạm sạc, điểm đổi pin, các bến đỗ hiện đại phục vụ xe điện. Trong dài hạn, các khu đô thị mới, nhà ở mới phải tích hợp tiêu chuẩn hạ tầng cho phương tiện sạch, đồng thời đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn điện lưới.

Đồng bộ phát triển giao thông công cộng, giảm áp lực xe cá nhân

Để giảm phương tiện cá nhân, Hà Nội xác định phải phát triển giao thông công cộng, đặc biệt tại vành đai 1. Khu vực này có 45 tuyến xe buýt, trong đó 11 tuyến buýt điện. Thành phố đang cấu trúc lại hệ thống này theo ba lớp mạng lưới, mục tiêu đến năm 2030 chuyển toàn bộ xe buýt sang năng lượng sạch.

Thành phố cũng phát triển các phương tiện vận tải quy mô nhỏ như buýt mini 8-16 chỗ, xe trung chuyển điện từ 4 chỗ trở lên, taxi điện và mô hình vận tải đa phương thức. Các phương tiện này được kỳ vọng thay thế thói quen sử dụng xe cá nhân ở nội đô.

Xe máy lưu thông vào khu vực nội đô TP. Hà Nội. Ảnh: Thành An.

Xe máy lưu thông vào khu vực nội đô TP. Hà Nội. Ảnh: Thành An.

Hệ thống đường sắt đô thị cũng được đẩy mạnh. Sau tuyến Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội sẽ hoàn thiện các tuyến số 2, 3, 5 cùng các tuyến nhánh, hướng đến mục tiêu 2030 đạt 98 km đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188 của Quốc hội.

"Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên 35-40%. Riêng khu vực lõi đô thị, tỷ lệ này cần gấp đôi mức hiện tại, đạt 8-10%", ông Tuấn thông tin.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ bố trí trạm sạc điện, điểm đổi pin tại các khu vực ngoài trung tâm, kết nối với hệ thống công cộng, đồng thời tích hợp yêu cầu sử dụng năng lượng sạch vào quy hoạch các khu đô thị mới, khu dân cư, tòa nhà.

Về mặt thể chế, UBND thành phố dự kiến trình HĐND thành phố vào tháng 9/2025 các nghị quyết chuyên đề để thể chế hóa nội dung của Chỉ thị 20, tạo cơ sở pháp lý triển khai đồng bộ toàn hệ thống.

Việc chuyển đổi giao thông và kiểm soát ô nhiễm là một tiến trình dài hơi, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của người dân, doanh nghiệp và chính quyền. "Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Nhà nước, cũng không chỉ là trách nhiệm của người dân hay doanh nghiệp, mà là một sự nghiệp chung trong việc kiến tạo một môi trường sống tốt đẹp hơn cho Thủ đô", ông Dương Đức Tuấn nói và nhấn mạnh "Hà Nội cam kết triển khai Chỉ thị 20 một cách đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm sự đồng thuận xã hội và hiệu quả thực tiễn, hướng tới một Thủ đô xanh, sạch, hiện đại, bền vững".

Vành đai 1, TP. Hà Nội. Ảnh: Tiến Thành

Vành đai 1, TP. Hà Nội. Ảnh: Tiến Thành

Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội nói chung khoảng 4-5%/năm, gấp từ 11-17 lần tốc độ mở rộng đường sá. Đặc biệt, ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hoạt động giao thông với lượng phương tiện chạy bằng xăng dầu lớn là một trong 5 nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-quyet-liet-khai-tu-xe-may-xang-theo-lo-trinh-the-nao-410608.html
Zalo