Hà Nội: Nếp sống đô thị mới từ giao thông xanh

Xe buýt điện, Metro dần trở thành lựa chọn quen thuộc của người dân Thủ đô, đánh dấu bước chuyển trong thói quen di chuyển và nếp sống đô thị hiện đại.

Bước chuyển trong tiếp cận cuộc sống đô thị hiện đại

Những chuyến xe buýt điện vận hành êm ái, các đoàn tàu Metro lướt nhanh trên cao dọc trục đường lớn đang dần tạo diện mạo mới cho giao thông Hà Nội. Giao thông công cộng không còn là lựa chọn thứ yếu, mà đang trở thành thói quen di chuyển của nhiều người dân, từ sinh viên, người lao động đến người cao tuổi. Đây không chỉ là sự thay đổi về phương tiện đi lại, mà còn là bước chuyển trong cách tiếp cận cuộc sống đô thị theo hướng hiện đại, bền vững hơn.

Ưu điểm lớn nhất của xe điện là sạch sẽ, thiết kế rộng rãi, an toàn, không mùi xăng dầu và ít tiếng ồn động cơ. Hơn một năm nay em không còn nghĩ đến việc đi xe máy đi học nữa”, Bạch Dương, sinh viên năm hai Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ.

Từ khi bước vào giảng đường, việc kết hợp đi tàu điện Metro và buýt điện đã trở thành thói quen mỗi ngày của Dương. Với lịch trình học tập cố định, phương tiện công cộng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn khiến Dương chủ động hơn trong việc đến lớp, không còn nỗi lo tắc đường, khói bụi hay chỗ gửi xe.

Bạch Dương (trái), sinh viên năm hai Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trò chuyện cùng bạn khi di chuyển bằng tàu điện Metro. Ảnh: Ngọc Hoàn

Không riêng sinh viên, nhiều người lao động cũng dần gắn bó với “xe xanh”. Chị Lại Thu Hằng (Thanh Trì, Hà Nội), làm việc tại Linh Đàm, đã đi xe buýt hơn 16 năm qua. Trước đây, điều khiến chị ngán ngẩm nhất là cảnh làn khói đen đặc từ các xe chạy dầu phả vào mặt mỗi giờ cao điểm. Nhưng từ khi chuyển sang xe buýt điện, cảm giác ấy đã thay bằng sự nhẹ nhõm.

Chị Hằng cho biết: “Tôi phải chuyển hai chặng buýt để đến chỗ làm, chặng đầu là buýt truyền thống, chặng sau là buýt điện. Khi lên xe điện, tôi cảm nhận rõ sự khác biệt: Xe chạy nhẹ, êm, không có tiếng ồn hay rung lắc. Tôi mong buýt điện sẽ được mở rộng khắp Hà Nội để phục vụ người dân và bảo vệ môi trường sống”.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương ( 16/7), không chỉ người đi làm, nhiều sinh viên, người cao tuổi, trẻ em và cả những lao động phổ thông cũng dần chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng thuần điện. Ảnh: Ngọc Hoàn

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Công Thương ngày 16/7 cho thấy, không chỉ người đi làm, mà cả sinh viên, người cao tuổi, trẻ em và cả lao động phổ thông cũng dần chuyển sang phương tiện công cộng thuần điện. Bà Trần Thị Hợi, nhân viên vệ sinh tại Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đi tàu điện và xe buýt điện từ những ngày đầu mới đưa vào vận hành. Mỗi ngày tôi đi tuyến buýt điện E03 đến ga Depot Nhổn, rồi bắt tàu Metro đến ga Cát Linh. Xe điện sạch, yên tĩnh, dễ đi, phù hợp với người lớn tuổi như tôi”.

Trên hành trình mỗi sáng, bà Hợi có thể tranh thủ nghỉ ngơi, đọc sách, không còn mệt mỏi vì nắng bụi, kẹt xe như trước. Với bà, kết hợp buýt điện và Metro không chỉ là giải pháp đi lại, mà còn là một “khoảng thở” trong cuộc sống mưu sinh.

Xây dựng hệ sinh thái giao thông đa phương thức, thân thiện môi trường

Thay đổi thói quen đi lại vốn không dễ, nhưng đang diễn ra rõ nét tại Hà Nội, nơi lâu nay đối mặt với áp lực giao thông và ô nhiễm không khí kéo dài. Việc nhiều người dân chủ động từ bỏ xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng chạy điện cho thấy hiệu quả của một lộ trình chuyển đổi được hoạch định bài bản, đáp ứng nhu cầu thực tế và phù hợp xu hướng phát triển bền vững.

Từ đầu năm 2025, TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch thay thế dần các phương tiện giao thông công cộng chạy xăng, dầu bằng xe buýt điện và xe buýt sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG/LNG). Chỉ thị 20/CT-TTg ban hành ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phát triển giao thông xanh, tiến tới hạn chế và loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các đô thị lớn. Trong đó, Hà Nội được xác định là địa bàn trọng điểm cần triển khai sớm và quyết liệt lộ trình này...

Đồng thời, thành phố cũng đẩy nhanh phát triển mạng lưới xe buýt điện, kết nối chặt chẽ với hệ thống Metro và các loại hình vận tải công cộng khác, nhằm hình thành hệ sinh thái giao thông đa phương thức, thân thiện với môi trường. Sự chuyển dịch này không chỉ giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính mà còn góp phần quan trọng hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát biểu tại Tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô” diễn ra ngày 15/7/2025, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: “Hà Nội đang khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện, đặc biệt trong khu vực Vành đai 1 - nơi sẽ bắt đầu cấm xe máy chạy xăng từ ngày 1/7/2026 theo lộ trình của Chính phủ”.

Ngọc Hoàn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-nep-song-do-thi-moi-tu-giao-thong-xanh-410884.html
Zalo