Hà Nội mở rộng thu ngân sách với thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống
Đối với việc tăng thu ngân sách, Hà Nội yêu cầu mở rộng đối tượng thu, nhất là thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên...
UBND TP Hà Nội mới ban hành Công văn số 4103/UBND-KT về việc thực hiện Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 06/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của cả nước và của thành phố về tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo...UBND TP yêu cầu các đồng chí Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các xã, phường; Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố và đề nghị các đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã, phường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện loạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, về chính sách tiền tệ, UBND TP Hà Nội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực I cập nhật Công điện và chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tham mưu UBND TP nội dung thuộc thẩm quyền.
Về chính sách tài khóa, đối với thu ngân sách, UBND TP yêu cầu ngành Thuế Thành phố, Chi cục Hải quan khu vực I chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương tăng cường thu ngân sách nhà nước (NSNN); mở rộng đối tượng thu, nhất là thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống. Thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền;
Phấn đấu thu NSNN năm 2025 tăng tối thiểu 20% so với dự toán. Triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí...;
Rà soát đánh giá tác động chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với thành phố; Phối hợp Bộ Tài chính xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng;
Về quản lý chi ngân sách, UBND TP yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên cuối năm 2025. Bố trí đủ nguồn kinh phí chi trả chế độ chính sách theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, 67/2025/NĐ-CP;
Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Xây dựng cơ chế thu hút FDI có chọn lọc; xử lý khó khăn cho doanh nghiệp FDI. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo kịp thời các Tổ công tác của Thủ tướng.
Các sở, ngành, địa phương chủ động theo dõi tình hình, phản ứng chính sách phù hợp; Giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xác định rõ vướng mắc, đẩy nhanh GPMB; Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11-12%;
Giải quyết dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài. Chuẩn bị kế hoạch đầu tư công 2026-2030, không dàn trải...