Hà Nội: Mặt bằng trên đất vàng bỏ trống hàng loạt dù giảm mạnh giá thuê

Nằm trên những tuyến phố lớn tại Hà Nội, được xem là vị trí đắc địa để kinh doanh, song hàng loạt mặt bằng vẫn đang phải bỏ trống dù luôn treo biển tìm khách, giảm mạnh giá thuê.

Khu vực phố cổ xuất hiện nhiều mặt bằng cho thuê.

Khu vực phố cổ xuất hiện nhiều mặt bằng cho thuê.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, nhiều mặt bằng trên các tuyến phố: Phố Huế, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Xã Đàn, Chùa Bộc... nhiều năm trước vốn có giá cho thuê thuộc dạng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, nhưng những năm gần đây, nhiều vị trí treo biển cho thuê vài tháng vẫn không có khách đến hỏi.

Trong vai người đang muốn thuê mặt bằng để kinh doanh cửa hàng thời trang, phóng viên Báo điện tử Xây dựng liên hệ theo số điện thoại ghi trên tấm biển cho thuê mặt bằng treo trước nhà tại phố Kim Mã. Vị trí này với diện tích 34m2/sàn, cho thuê 2 tầng và hiện tại được chủ nhà cho thuê giá 22 triệu đồng/tháng, giá này đã thấp hơn 6 triệu so với trước đây nhưng vẫn chưa được khách hàng nào thuê.

Chủ nhà cho biết, thời điểm trước, anh yêu cầu khách hàng phải cam kết thuê từ 1 năm trở lên và thuê cả 2 tầng. Song hiện nay, anh chỉ yêu cầu cam kết thuê từ 4 - 6 tháng. Thêm vào đó, anh cũng tạo điều kiện nếu khách chỉ muốn thuê 1 tầng. Mức giá thuê 1 tầng được chủ nhà đưa ra là 18 triệu đồng/tháng cho mặt bằng tầng 1.

“Trước đây, nhà tôi cũng đã cho một cửa hàng thời trang thuê. Hơn 10 năm qua vẫn duy trì với giá 28 triệu đồng mỗi tháng. Từ khi khách cũ chuyển đi, tôi vẫn chưa chốt được hợp đồng nào dù đã hạ giá thuê” - chủ nhà nói.

Thời gian gần đây, không chỉ khu vực phố cổ, mà nhiều tuyến phố tại các quận nội thành Hà Nội tình trạng mặt bằng cho thuê đóng cửa, không có khách thuê rất dễ bắt gặp.

Thời gian gần đây, không chỉ khu vực phố cổ, mà nhiều tuyến phố tại các quận nội thành Hà Nội tình trạng mặt bằng cho thuê đóng cửa, không có khách thuê rất dễ bắt gặp.

Ngoài dán biển cho thuê, nhiều chủ mặt bằng cũng đăng tải thông tin cho thuê lên các trang môi giới nhưng tình hình cũng không khả quan. Anh T.M - người cho thuê mặt bằng trên phố Giảng Võ cho biết: Do tình hình kinh doanh không tốt nên đơn vị thuê mặt bằng trước đó đã trả mặt bằng từ năm 2024. Đến nay, mặt bằng này vẫn rất ít người hỏi thuê dù đã đăng tải thông tin lên nhiều sàn môi giới, lên cả mạng xã hội để chào mời, sẵn sàng giảm giá, miễn phí tiền điện nước cho người thuê mặt bằng trong tháng đầu tiên.

Hình ảnh các cửa hàng đóng cửa, treo biển "cho thuê nhà" hay "sang nhượng" trở nên phổ biến trên các con phố từng rất đông đúc và nhộn nhịp.

Hình ảnh các cửa hàng đóng cửa, treo biển "cho thuê nhà" hay "sang nhượng" trở nên phổ biến trên các con phố từng rất đông đúc và nhộn nhịp.

Chia sẻ với phóng viên, chị V.A - chủ cửa hàng thời trang tại quận Thanh Xuân cho biết: Sau đại dịch COVID-19, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, họ chuyển từ hình thức offline sang online. Đồng thời, sự lên ngôi và kích cầu của các sàn thương mại điện tử đã khiến thị trường bán lẻ bị mất dần vị thế, trong đó phân khúc thời trang, mỹ phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Trước đây, tôi đã từng mở 2 chi nhánh cửa hàng nhưng sau thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tôi phải trả mặt bằng một chi nhánh vì kinh tế khó khăn. Bên canh đó, tôi thấy hiện nay xu hướng mua sắm trực tuyến của người dân tăng cao nên tôi chỉ mở một cửa hàng để tiết kiệm chi phí và kết hợp bán hàng trực tuyến trên các nền tảng” – chị V.A chia sẻ.

2 trong số hàng chục mặt bằng bị bỏ trống hoặc tìm khách thuê bên dãy số lẻ đường Kim Mã, Hà Nội.

2 trong số hàng chục mặt bằng bị bỏ trống hoặc tìm khách thuê bên dãy số lẻ đường Kim Mã, Hà Nội.

Theo một số chủ cửa hàng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này có thể đến từ nhiều yếu tố như sự gia tăng quá mạnh về giá thuê mặt bằng, lượng khách giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, cạnh tranh gay gắt với các chuỗi cửa hàng lớn và cũng như việc thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân.

Làn sóng trả mặt bằng ở Hà Nội đã diễn ra từ nửa cuối năm 2020 sau đợt dịch đầu tiên, kéo giá thuê giảm cục bộ tại một số khu vực. Nhà phố khu trung tâm được giới kinh doanh săn lùng trở lại từ giữa năm 2022. Tuy nhiên, sự ấm nóng trên thị trường cho thuê cũng không kéo dài được lâu khi tình trạng trả nhà mặt phố lại dần tái diễn từ cuối quý III năm ngoái.

Những mặt bằng có tổng diện tích cả nghìn m2 để không chưa có khách thuê.

Những mặt bằng có tổng diện tích cả nghìn m2 để không chưa có khách thuê.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tình trạng này được cải thiện, thành phố cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như giảm thuế, phí, gia hạn thời gian nộp thuế. Ngoài ra, các chủ nhà cần xem xét điều chỉnh mức giá thuê phù hợp với tình hình thực tế. Doanh nghiệp và chủ cửa hàng cần phải nghiên cứu và thích nghi với thị trường hiện nay đó là ứng dụng về công nghệ trong bán hàng, cùng với đó là các vấn đề biến động khác của thị trường.

Hiện nay, tình trạng trả mặt bằng hàng loạt tại nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất ở Hà Nội là một vấn đề đáng lo ngại, phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Diệu Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-mat-bang-tren-dat-vang-bo-trong-hang-loat-du-giam-manh-gia-thue-378688.html
Zalo