Hà Nội giải bài toán ô nhiễm không khí, làng nghề, thu gom rác như thế nào?
Chiều 11-12, trả lời các vấn đề cử tri quan tâm, lãnh đạo sở, ngành Hà Nội đã thông tin việc giải bài toán ô nhiễm không khí, làng nghề, thu gom rác như thế nào?
“Cụm công nghiệp không chỉ sạch mà còn phải thơm”
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (Mỹ Đức) đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Công Thương về việc đã có bao nhiêu cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải hoạt động, giải pháp khắc phục, tiến độ trong thời gian tới và việc kiểm tra xử lý các vi phạm ra sao?
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, trong số 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, đã có 49 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải. Còn 21 cụm chưa đầu tư trạm xử lý nước thải, có 4 cụm sẽ đấu nối với các trạm xử lý nước thải vào giai đoạn 2 khi hoàn thiện hạ tầng kĩ thuật, 5 cụm sẽ đầu tư trong giai đoạn 2 khi quy hoạch Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt; 11 cụm chuyển đổi chức năng do không phù hợp quy hoạch…
“Chúng tôi rất áp lực khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách khối yêu cầu sắp tới các khu, cụm công nghiệp không chỉ sạch mà còn phải thơm”, bà nói.
Bà Nguyễn Kiều Oanh cũng cho biết, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm tại các khu, cụm công nghiệp.
Trả lời việc đã di dời được bao nhiêu cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi làng nghề, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố có khoảng 1.300 làng nghề truyền thống với đặc trưng sản xuất trong khu dân cư kết hợp với ở nên gây ô nhiễm môi trường, nước, không khí... Thành phố đã quan tâm chỉ đạo giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường bằng nhiều giải pháp mà điển hình như đổi phương thức sản xuất với các phương tiện thân thiện môi trường..
Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, giải pháp căn cơ vẫn phải di dời các cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư. TP đã đầu tư 70 cụm công nghiệp, thu hút trên 4.000 hộ sản xuất kinh doanh, trong đó có các cơ sở sản xuất ở làng nghề.
TP Hà Nội cũng đang triển khai đầu tư 43 cụm công nghiệp và quy hoạch thêm 174 cụm công nghiệp đến năm 2030. Đây là hạ tầng quan trọng để di dời các cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ, Sở Công Thương và các huyện phải có quy chế rõ ràng với nhà đầu tư để đầu tư các cụm công nghệp mới này đảm bảo mục đích chính là để di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư; Quản lý chặt chẽ không để tình trạng kết hợp để ở trong cụm công nghiệp.
“Qua thanh tra, kiểm tra, có hiện tượng cụm công nghiệp tận dụng cả diện tích ở trong đó là vi phạm, phải xử lý dứt điểm”, ông Đông nói.
4 quận nội đô sẽ đặt thùng rác, thu gom tự động từ 2025
Các đại biểu HĐND TP cũng phản ánh bất cập về việc thu gom rác, còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và đặt câu hỏi thành phố có biện pháp gì, trách nhiệm cụ thể của các đơn vị như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, từ 2023-2024, UBND TP đã giao các quận huyện tổ chức đầu thầu với tiêu chí cụ thể: có phương tiện hiện đại, thu gom tự động... Có như thế mới đảm bảo vệ sinh môi trường, xóa được việc còn chân rác trên đường phố.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn việc thu gom rác bằng xe đẩy, điểm trung chuyển ngay trên hè phố rất mất vệ sinh. Các đơn vị trúng thầu cơ bản đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu là có thiết bị hiện đại, tự động…
“Vừa qua, UBND TP có mời Bí thư, Chủ tịch UBND 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) cùng Urenco để họp và chỉ đạo trong năm 2025, phải đặt thùng rác và thu gom tự động, giảm thiểu lao động thủ công; thu gom rác phải sạch, thậm chí phải quét, hút, rửa đường. 4 quận trên phải thực hiện ngay từ đầu năm 2025. Từ đó, các quận khác tổ chức đầu thầu theo tiêu chí để từ 2026 phải thu gom rác theo cách đó”, ông Đông khẳng định.
Chất lượng không khí kém do thời điểm giao mùa
Cũng liên quan đến môi trường, đại biểu Đàm Văn Huân nêu vấn đề ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội được cử tri và nhân dân quan tâm. Đại biểu cho rằng, Hà Nội phải có không khí trong lành và đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí của Hà Nội đang ở mức độ thế nào? Công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác quan trắc đã phản ánh đúng thực trạng hay chưa, giải pháp ra sao để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và sự phát triển của thành phố?
Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam trả lời, ô nhiễm không khí trên địa bàn Thủ đô do nhiều nguồn. Nguồn tại chỗ chủ yếu từ các phương tiện giao thông, bụi đường, nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. Ngoài ra, nguồn ô nhiễm từ vùng ngoại thành và các tỉnh lân cận lan truyền vào. Những ngày gần đây, Gia Lâm, Long Biên bị ảnh hưởng của Bắc Ninh.
Ông Nam lý giải, chất lượng không khí chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng khí tượng theo mùa. Như đại biểu nêu, hiện trạng chất lượng không khí những ngày vừa qua diễn biến xấu do thời điểm giao mùa. Chỉ số chất lượng không khí ở mức kém.
Ông Nam thông tin, thành phố tập trung 14 nhiệm vụ, giải pháp đã đạt được kết quả, cơ bản xóa bỏ được bếp than tổ ong, giảm đốt rơm rạ, chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công...
Đặc biệt, thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ xây dựng vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông sẽ cải thiện chất lượng không khí.
Song song với đó, ông Nam cho biết, thành phố đã giao Sở GTVT tham mưu khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông công cộng như xe buýt, phương tiện xanh phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới.
Giám đốc TN&MT cho rằng, để cải thiện chất lượng không khí, Thủ đô cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh, duy trì việc trồng 1 triệu cây xanh, đặc biệt cần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường...