Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp
Sáng 5/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.
Tính đến nay, thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha.
Các khu công nghiệp đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 102 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha.
Các khu, cụm công nghiệp đều có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng hai khu công nghiệp (Khu công nghiệp Quang Minh 2, diện tích 160ha và Khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha); Hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh với diện tích 300ha.
Thành phố Hà Nội đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25 trong số 43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018-2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công xong tất cả 43 cụm công nghiệp này trong năm 2024.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Hội nghị hôm nay là cơ hội để chính quyền thành phố và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt là thành phố sẽ giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn…".
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đó là về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp (giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp); trong lĩnh vực đất đai (chuyển đổi đất lúa, giao đất, cho thuê đất, tính giá đất..); về giải phóng mặt bằng (tiến độ giải phóng mặt bằng chậm do ảnh hưởng giãn cách do dịch Covid-19, một số người dân gây khó khăn, di chuyển mồ mả...); về cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Tại Hội nghị, thành phố đã tiếp nhận 80 ý kiến về bốn nhóm vấn đề, liên quan bốn nhóm vấn đề chính gồm thủ tục đất đai, thủ tục hành chính, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu, cụm.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56ha. Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.
Ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi mong nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng sớm. Về thủ tục thành lập khu công nghệ cao, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để hoàn thành các thủ tục mới này. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố, quận Bắc Từ Liêm tiến hành quy hoạch 1/2000 nhanh hơn vì đây là thủ tục rất quan trọng để chúng tôi có thể triển khai tiếp các hoạt động tiếp theo của dự án”.
Ngay tại Hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thường xuyên tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ và đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Thành phố sẽ khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, phòng chống cháy nổ..., phải đáp ứng tiêu chuẩn và định hướng phát triển văn minh, hiện đại của thành phố.
Các sở, ban, ngành tiếp tục có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và các quận, huyện thị xã, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan…