Hà Nội: Doanh nghiệp kiến nghị gỡ khó, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh
Quá trình đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát sinh nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng, lĩnh vực đất đai, tiến độ giải phóng mặt bằng…
Đây là đánh giá của bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội tổ chức ngày 5/4.
Cụ thể, những khó khăn, vướng mắc đó là về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp (giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp); trong lĩnh vực đất đai (chuyển đổi đất lúa, giao đất, cho thuê đất, tính giá đất..); về giải phóng mặt bằng (tiến độ giải phóng mặt bằng chậm do ảnh hưởng giãn cách do dịch Covid - 19, một số người dân gây khó khăn, di chuyển mồ mả...); về cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Tại Hội nghị, Thành phố đã tiếp nhận 80 ý kiến về 4 nhóm vấn đề, liên quan bốn nhóm vấn đề chính gồm thủ tục đất đai, thủ tục hành chính, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu, cụm công công nghiệp.
Về vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15 ha, cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56 ha.
“Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị Thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.”, ông Hải nói.
Tương tự, ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi mong muốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng sớm. Về thủ tục thành lập khu công nghệ cao, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để hoàn thành các thủ tục mới này. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố, quận Bắc Từ Liêm tiến hành quy hoạch 1/2000 nhanh hơn vì đây là thủ tục rất quan trọng để chúng tôi có thể triển khai tiếp các hoạt động tiếp theo của dự án”.
Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, vẫn còn rất chậm so với kế hoạch và yêu cầu, do các quy định, thủ tục, giấy phép còn chồng chéo. Các đơn vị cố gắng hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, rút ngắn 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục khởi công cụm công nghiệp theo tiến độ đã đăng ký. Sở cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành định hướng tháo gỡ nhưng chưa có câu trả lời thấu đáo.
Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đã giao đất từng đợt đối với những cụm công nghiệp gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng, rút ngắn thời gian đầu tư dự án, sớm đưa vào khai thác…
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, tới đây Thành phố chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai,... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.
Về vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, ông Uchida Takumi, đại diện lãnh đạo Công ty Terumo Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) đưa ra kiến nghị cụ thể với Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) như sau, thứ nhất, cần đảm bảo ổn định điện năng cho công ty sản xuất, điều này giúp cho các nhà máy tăng cường khả năng chịu tải của hệ thống điện, giảm nguy cơ sự cố và đảm bảo ổn định trong việc sản xuất.
Thứ hai, có thêm các chương trình hỗ trợ và chính sách ưu đãi, EVN có thể hỗ trợ các doanh nghiệp với các chính sách ưu đãi về giá điện hoặc các gói hỗ trợ tài chính để đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa sản xuất.
Thứ ba, cần có kế hoạch, lịch trình cụ thể trước khi ngắt điện diện rộng tại các khu, cụm công nghiệp chế biến, sản xuất. EVN có trách nhiệm cung cấp thông tin và dữ liệu về tình trạng và dự báo về nguồn cung cấp điện cho các doanh nghiệp. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể lập kế hoạch sản xuất và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả.
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Hà Nội cho biết: “Sau sự cố lưới xảy ra 6 lần mất điện liên tục trong đợt hè năm 2023, năm nay chúng tôi đã chuẩn bị các phương án ứng phó. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động dịch chuyển thời gian hoạt động khỏi các giờ cao điểm để đảm bảo an toàn hệ thống điện.”
Tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, Hà Nội không thể thiếu điện bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Theo ông, nếu ngành điện lực khi bảo trì, bảo dưỡng phải cắt điện thì phải báo trước nếu không sẽ là mối nguy lớn. Đặc biệt, ông Thanh cho biết thêm, năm 2024, nhiều doanh nghiệp "tranh nhau bán điện, xin được bán điện cho nhà nước". Do đó, EVN Hà Nội cần phải báo cáo Bộ Công thương về phương pháp điều hành.
Tại hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể.
Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các cụm công nghiệp cũ, điều chỉnh về quy hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cùng UBND thành phố hướng tới một cửa liên thông, minh bạch để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình hoàn tất thủ tục.
Thời gian tới, Sở Công thương, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã để hoàn thiện phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, rà soát các quy định của thành phố để tham mưu, xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, huy động các nguồn lực xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…