Hà Nội cụ thể hóa sự quan tâm đối với lực lượng phòng, chống ma túy và Công an xã bán chuyên trách (3): Lặng thầm giữ bình yên từng thôn xóm
Trước tháng 11-2017, thời điểm CATP Hà Nội triển khai Đề án số 03 về 'Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội', lực lượng Công an xã bán chuyên trách có hơn 6.400 đồng chí. Sau thời điểm này, vì nhiều nguyên nhân cũng như yêu cầu công tác, số lượng Công an xã bán chuyên trách giảm còn hơn 3.700 đồng chí. Cũng từ năm 2017, trên địa bàn thành phố, lực lượng Công an chính quy đã từng bước được tăng cường về nhận nhiệm vụ tại xã. Thế nhưng trên 'mặt trận' giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự ở cấp cơ sở cuối cùng này vẫn rất cần vai trò của lực lượng bán chuyên trách. Vấn đề là sự đánh giá đúng và phát huy cao nhất trách nhiệm, hiệu quả của lực lượng này.
Nhận diện những vấn đề “nóng” của an ninh nông thôn
Địa bàn nông thôn của Hà Nội có 383 xã (thuộc 17 huyện và 1 thị xã) chiếm khoảng 3.065,4km2 (khoảng 91% diện tích thành phố), dân số trên 4,4 triệu người (khoảng 54,6% tổng dân số toàn thành phố).
Theo thống kê của phòng chức năng CATP Hà Nội, ngoài những vấn đề tiềm ẩn về an ninh tôn giáo, hoạt động khiếu kiện, tụ tập đông người liên quan đến giải phóng mặt bằng; từ năm 2010 đến năm 2020, tại các địa bàn nông thôn phát hiện hơn 18.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có trên 800 vụ trọng án. Hoạt động của tội phạm sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ và các loại hung khí nguy hiểm gây án còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, hoạt động của các ổ nhóm tội phạm có tổ chức có chiều hướng gia tăng. Hoạt động của tội phạm trộm cắp, hay các tệ nạn xã hội luôn là những vấn đề phải hết sức quan tâm…
Cùng với tiềm ẩn tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng..., thì ở địa bàn nông thôn, tình hình tội phạm, tệ nạn về ma túy cũng diễn biến phức tạp. Nguy cơ gia tăng số người sử dụng trái phép chất ma túy và có xu hướng trẻ hóa, chuyển dần sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác mạnh dẫn đến không kiểm soát được bản thân, nguy cơ phát sinh nhiều hành vi phạm tội nguy hiểm, “ngáo đá”.
Cũng ở địa bàn nông thôn, thời gian qua luôn “nóng” tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, nổi lên là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không qua kiểm dịch thú y... vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm tại các khu công nghiệp, làng nghề...
Đặc biệt, lợi dụng việc hạn chế trong nhận thức và tiếp cận thông tin mới của người dân tại các địa bàn nông thôn, tình hình tội phạm an ninh mạng xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, với những phương thức mới, khó phát hiện.
Theo đánh giá của chỉ huy Phòng Tham mưu - CATP Hà Nội, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực nông thôn nói riêng tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh, tạo áp lực không nhỏ tới công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn trên. Cùng với đó, yêu cầu đặt ra cho lực lượng chuyên trách trong công tác đảm bảo an ninh trật tự phải chú trọng nâng cao nghiệp vụ chất lượng công tác, đồng thời cần phải tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách nhằm huy động sức mạnh của quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giữ vững trật tự an toàn xã hội ngay từ địa bàn cơ sở. Chủ động giải quyết kịp thời, tại chỗ không để trở thành điểm nóng đối với các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở.
“Vốn quý” ở địa bàn cơ sở
“Luôn là vậy, Công an xã bán chuyên trách hiện nay và cả giai đoạn trước kia có ưu điểm, thế mạnh là người địa phương, quá trình công tác lâu dài, gắn bó với địa bàn, gần dân, sát dân, tinh thần cộng đồng làng xóm, họ hàng... nên dễ dàng nắm chắc đặc điểm, vị trí địa lý, tình hình dân cư, am hiểu về phong tục, tập quán địa bàn. Chúng tôi hay gọi vui anh em Công an xã bán chuyên trách là những vị “Táo Thổ địa”, Trung tá Nguyễn Hữu Hiển -Trưởng Công an xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ.
Điểm cộng nữa của Công an xã bán chuyên trách là hàng năm đều được tập huấn bổ sung kiến thức nghiệp vụ, pháp luật theo chương trình của Bộ Công an. Nhiều đồng chí có trình độ, đã qua đào tạo lớp Trung cấp nguồn Trưởng Công an xã (thống kê mới nhất, trong hơn 3.700 đồng chí Công an xã bán chuyên trách đang tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, có hơn 400 đồng chí có trình độ đại học; hơn 150 đồng chí có trình độ cao đẳng, hơn 400 đồng chí có trình độ trung cấp và gần 2.800 đồng chí tốt nghiệp THPT).
Chính vì vậy, thời gian qua, khi được bố trí về thôn, dưới sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các xã và sự quản lý chỉ đạo trực tiếp về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của Trưởng Công an xã chính quy, lực lượng Công an xã bán chuyên trách tiếp tục phát huy truyền thống, kinh nghiệm phối hợp, hỗ trợ tích cực cho lực lượng Công an chính quy trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.
Rất nhiều trong hơn 3.700 cán bộ Công an xã bán chuyên trách đã làm tốt công tác nắm tình hình, đề xuất Công an xã kịp thời tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã. Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tại thôn, xóm, cụm dân cư chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự; Tham gia hỗ trợ lực lượng Công an chính quy nắm tình hình, phát hiện, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện nảy sinh trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở.
Tại địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội), Đại tá Nguyễn Tiến Tần - Trưởng Công an huyện cho biết, Công an xã bán chuyên trách tiếp nhận, cung cấp số lượng lớn tin báo tố giác tội phạm. Và lực lượng này không quản ngày đêm vất vả, tham gia, giúp lực lượng Công an cơ sở điều tra, khám phá các vụ án, vụ việc, cũng như trực tiếp phát hiện ngăn chặn, bắt giữ các vụ việc, đối tượng phạm tội quả tang, đối tượng truy nã.
Hơn 3 năm trở lại đây, cùng với các địa phương trên toàn quốc, Hà Nội thực hiện và được ghi nhận kết quả ở các chiến dịch lớn do Bộ Công an, CATP phát động; cũng như các mệnh lệnh liên quan Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh điện tử, công tác quản lý cư trú, cấp căn cước công dân và các loại giấy tờ khác. Có nhận thức rõ ràng và nhiệt tình, trách nhiệm tham gia, đảm đương những “đầu việc”, phần việc quan trọng ở các chiến dịch trên, tại 383 xã ở Thủ đô, chính là Công an xã bán chuyên trách.
Và, cũng chính những người “vác tù và hàng tổng ấy” đang ngày đêm tham gia, hỗ trợ tích cực lực lượng Công an chính quy; vận động nhân dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; theo dõi quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng dân cư. Họ ngày đêm phối hợp cùng lực lượng Công an chính quy tham gia tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, phát hiện truy bắt tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực an ninh, trật tự; Là lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng các mô hình, chuyên đề phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại các thôn, xóm, cụm dân cư.
Khối lượng và áp lực công việc tăng theo tháng, theo năm. Nhưng từ năm 2011 đến trước ngày 1-1-2024, nghĩa là liên tục 13 năm, mỗi Công an xã bán chuyên trách thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng, sau khi trừ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Rõ ràng, mức thu nhập này không tương xứng với tính chất, khối lượng công việc của Công an xã bán chuyên trách; chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân thực tế của người lao động ở Thủ đô Hà Nội; tỷ lệ thấp so với các chức danh người hoạt động không chuyên trách khác theo quy định tại Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND TP Hà Nội; chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu tối thiểu hàng ngày của mỗi gia đình, trong khi đa số Công an viên bán chuyên trách đều đang trong độ tuổi lao động, là trụ cột, lao động chính trong gia đình. Yếu tố này dẫn đến việc động viên, khuyến khích, tuyển dụng, huy động công dân tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Trong 6 năm, kể từ thời điểm thực hiện Đề án số 03/ĐA-CAHN ngày 17-11-2017 của CATP về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã phối hợp với lực lượng Công an xã chính quy phát hiện, điều tra, khám phá 5.925 vụ, 9.475 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó: 5.454 vụ, 6.866 đối tượng xử lý hình sự; 471 vụ, 2.609 đối tượng xử lý hành chính; thu giữ trên 187kg ma túy các loại.
Năm 2023, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã tích cực phối hợp, tham gia với lực lượng Công an xã chính quy trong điều tra, khám phá các vụ án, vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Gồm 1.311 vụ tội phạm trật tự xã hội; 1.075 vụ phạm pháp hình sự; 294 vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; 248 vụ liên quan tệ nạn xã hội; 1.265 vụ ma túy; 1.071 vụ kinh tế; 1.265 vụ môi trường; 155 vụ cháy nổ; 320 vụ tai nạn giao thông... Từ năm 2020 đến nay, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, công tác phát hiện điều tra truy vết các trường hợp nghi nhiễm đã được thực hiện tốt bởi lực lượng Công an xã bán chuyên trách - là lực lượng tham gia trực tiếp Tổ Covid cộng đồng giám sát người có quyết định cách ly tại nơi cư trú; tham gia chốt trực bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly; các chốt, trạm kiểm dịch; tuần tra kiểm soát phát hiện nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh..., góp phần vào thành công của công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
(Còn tiếp)